Rẽ mây thưởng trà miền biên ải…

Giữa tiết trời se lạnh, được thưởng thức chén trà cổ thụ nồng ấm, tôi như có cảm giác đang được uống cả những giọt sương mai trên đỉnh núi.

Dòng sông Xanh như dải lụa mềm uốn lượn theo thế núi. Những vạt cúc quỳ cuối mùa vàng ruộm, những chùm trạng nguyên đỏ rực trong sương gió biên thùy. Đâu đó, những nhánh đào phai cũng đã khoe nụ nở sớm. Cứ thế, thiên nhiên tươi đẹp đã dẫn lối cho lữ khách phương xa rẽ mây, ngược miền biên ải để mà tận hưởng cái thanh hương, hậu vị của những búp trà hái còn nguyên phấn trắng trên những cây trà Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở Tả Thàng (Mường Khương, Lào Cai)…

Quần thể hàng trăm gốc trà Tuyết Shan cổ thụ ở thôn Sú Dí Phìn - Tả Thàng.
Quần thể hàng trăm gốc trà Tuyết Shan cổ thụ ở thôn Sú Dí Phìn - Tả Thàng.

Cũng thật bõ công lặn lội đường xa mấy chục cây số để được tận mắt mục sở thị rừng trà cổ thụ, để đi dưới những gốc trà xum xuê, xanh ngút ngát mà xuýt xoa, mê mẩn, để ngồi bên bếp lửa ấm của người già, truyền tay nhau chén trà nóng, thứ trà lam để trong ống nứa và treo trên gác bếp uống quanh năm. Đưa một vòng chén trà trước mũi để tận hương, rồi kề môi chấp một ngụm để thưởng vị… Những câu chuyện cứ ngược dòng thời gian mà trải lòng cùng những miền ký ức, để hiểu thêm về sự hiện diện của những cây quý nơi miền đất này.

Giãi bày về những cây trà quý ở đây, Thào Sùng, người Mông ở Tả Thàng bộc bạch: Trà Shan Tuyết có từ lâu đời, người già trong bản kể, họ lớn lên đã có trà mọc ở đây rồi. Ngay cả ông nội tôi, ngày còn sống cũng nói như vậy. Hồi xưa, ông nội tôi dùng hạt, vỏ thân cây trà để nấu cao trà. Khi uống, lấy một ít cao pha nước nóng uống rất ngon… Bây giờ, người Mông ở Tả Thàng không còn ai uống trà theo cách của ông nội Thào Sùng nữa, mà có nhà dùng lá tươi, đun nước chè uống, còn đa số lấy búp sao khô, bảo quản uống quanh năm.

Rẽ mây thưởng trà miền biên ải…

Người Mông ở Tả Thàng ví trà như một báu vật của cả bản, họ quý cây trà hơn sinh mệnh của mình. Người già trong bản thì tâm niệm, trà cho sức khỏe cho tiền bạc, ấy là thức uống không thể thiếu hằng ngày sau cơm ăn. Những cây trà cổ thụ Tả Thàng hàng trăm năm tuổi bao năm bám trụ nơi đại ngàn, uống sương rơi, hong nắng trời, chắt chiu nguồn dinh dưỡng từ đất núi, mạch nước lần trong khe để cho ra những búp trà ngon có một không hai, vị ngọt đậm và có hương thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được, tạo thức uống hảo hạng nơi rẻo cao mây trắng.

Sùng Mây, người được bố mẹ để lại “của hồi môn” 50 cây trà cổ thụ ở thôn Sú Dí Phìn tâm sự: Từ nhỏ tôi đã thấy trên núi có những cây trà to như vậy rồi. Nhiều lần tò mò cũng đã gặng hỏi các cụ nhưng hầu hết không ai biết lịch sử xuất hiện của những cây trà này. Bố tôi, ông nội tôi kể, lúc ông cụ 4 đời, 5 đời còn sống cũng đã thấy sự xuất hiện của cây trà này rồi.

Mọi người vẫn rỉ tai nhau tìm mua thứ trà “siêu sạch” trên núi Tả Thàng vì trà được chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và hút chất dinh dưỡng. Người Mông Tả Thàng lựa lúc rừng núi vẫn chìm trong sương sớm mang gùi đi hái trà, thời điểm giao hòa đủ để hứng trọn tinh túy của đất trời. Nước trà cổ thụ ở Tả Thàng không xanh mà có màu vàng như mật ong, hương vị đậm đà. Búp trà cổ thụ được phủ một lớp phấn trắng bạc tựa như tuyết, khi sao khô vẫn còn lớp tơ trắng bám trên búp. Tiếng lành đồn xa, trà cổ rời bản xuống phố, bởi thế nhiều gia đình người Mông có nguồn thu đáng kể từ chăm sóc, thu hái trà cổ thụ. Nhà ít trồng được chục cây, nhà nhiều trồng hàng trăm cây. Ở bản Sú Dí Phìn có anh Thào Phừ trồng nhiều nhất với gần 200 gốc trà cổ thụ.

Rẽ mây thưởng trà miền biên ải…

Người Mông ở Tả Thàng đang lưu giữ một bảo vật thiên nhiên quý giá, chứa đựng một truyền thuyết hấp dẫn về loại cây có vị chát, ngọt vẫn lưu truyền cho đến ngày nay. Tuy sở hữu một vùng trà cổ, nhưng cách người dân chế biến, đưa sản phẩm ra thị trường vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi vậy, để giữ được vùng trà cổ, hơn bao giờ hết phải “định danh” sản phẩm trà, mang đến cho người thưởng trà cảm nhận đủ vị của sương mây, mưa nắng bốn mùa trên núi cao biên ải ngấm vào từng búp trà.

Nghĩ là làm, sau khi quyết định chọn nơi gửi trọn hy vọng về ước mơ xây dựng một thương hiệu trà, anh Nguyễn Hồng Quân, Giám đốc Công ty cổ phần chè Cao Sơn đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, xây dựng vùng nguyên liệu với khát vọng làm nên một thương hiệu trà độc đáo, khác biệt. Dưới tán chè đã bén rễ hàng trăm năm, anh kể lại sự hữu duyên với vùng đất này: Chọn vùng trà cổ thụ Tả Thàng, tôi muốn vừa bảo tồn vùng trà cổ Shan Tuyết trên núi cao, vừa viết một câu chuyện về văn hóa trà mang nét đặc trưng của vùng biên.

Ngược xứ Mường giờ không chỉ ngắm cảnh non nước, mây trời mà còn được thưởng thức hương trà cổ thụ, sản phẩm được chắt chiu từ tinh hoa của đất trời ở chốn non cao. Thú thật, giữa tiết trời se lạnh, được thưởng thức chén trà cổ thụ nồng ấm, tôi như có cảm giác đang được uống cả những giọt sương mai trên đỉnh núi vậy. Dọc đường về nhà, tôi bất chợt hình dung đến giây phút đầm ấm đoàn viên của gia đình trong tết Nguyên đán Nhâm Dần bên ấm trà cổ thụ Tả Thàng hảo hạng…

Lê Thanh Cường

Rộn ràng làng hương Phja Thắp mỗi độ Tết về

Rộn ràng làng hương Phja Thắp mỗi độ Tết về

Hương Phja Thắp tuy chỉ được bó bằng sợi rơm mộc mạc, nhưng mùi thơm thảo mộc của loại hương này khiến mỗi người con xa quê bồi hồi thương nhớ.