Mùa xuân trở lại buôn Con Ó

Ngắm những tấm vải dệt của phụ nữ Mạ buôn Con Ó, tôi luôn thấy ở đó thấm đẫm một tình yêu thiên nhiên qua những ý tưởng hình họa độc đáo.

Ó là loài chim lớn nhất, dũng mãnh nhất rừng Tây Nguyên. Người thợ săn giỏi nhất vùng dân tộc cũng không bao giờ tìm thấy tổ chim Ó. Nhưng chim Ó thường xuất hiện ở nhiều nơi – và những cổ dân Nam Tây Nguyên thường dõi theo cánh chim Ó với lòng ngưỡng vọng. Với họ, chim Ó như biểu hiện cho khát vọng sống tự do nay đây mai đó. Phải chăng đó chính là lý do để vùng đất Nam Tây Nguyên này có tới 9 buôn Con Ó. Chữ “Con” ở đây nghĩa là tiếng Mạ - Cơho là “Người” - Buôn Con Ó có thể hiểu là những buôn du canh du cư như cánh chim Ó.

Trong các cuộc điền dã dân tộc học, tôi thường coi buôn Con Ó - nay đang thuộc xã Mỹ Đức - Đạ Tẻh như “một cõi đi về”. Tôi đã đến buôn Con Ó không biết bao nhiêu lần. Ở đây có một nhân vật của tôi: bà Ka Ghẹ - người đàn bà kỳ lạ có chuỗi vòng cổ 30 hạt hổ phách trị giá bằng 30 con trâu, ở đây có nghề dệt thổ cẩm “nổi tiếng thế giới dân tộc”, ở đây còn 8 bộ chiêng cổ có âm thanh pha vàng, pha bạc vang miết lên đến tận trời…

Mùa xuân trở lại buôn Con Ó

Những ngày đất trời ngào ngạt hương xuân của năm mới, tôi trở lại buôn Con Ó trong tâm trạng của nhà thơ Lorca: “Cordu xa thẳm và đơn độc - Con ngựa đen vành vạnh vầng trăng - Ôliu đầy túi - Dù ta thuộc hết đường hết lối - Chẳng thể nào tới Cordu”. Và đây buôn Con Ó bên dòng suối Đạ Tía giờ đã được chặn lại thành hồ Đạ Hàm: Xa xa giữa mặt hồ mênh mang một con thuyền độc mộc bập bềnh trong ráng chiều đỏ rực.

Lúc này ngọn Đăng Vung nơi mặt trời mọc lên mỗi sáng trước mặt buôn Con Ó cứ xanh sẫm một màu xanh huyễn hoặc… Quấn quýt trong làn khói cơm chiều lời hát của bài ca bất tử: “Thần thoại về buôn Con Ó” - “Sao đêm mà xanh, ngày mai tạnh ráo, sao đêm lấp lánh, ngày mai sẽ mưa… Ngọn đuốc duy nhất nào đủ để chiếu sáng toàn cầu? Mặt trăng. Ai như người Chàm gánh muối trước khi rạng đông, quẩy nước khi mặt trời mọc và thôi không quẩy nước nữa vào giữa ban sáng? Sương muối…”. Bản trường ca kỳ diệu với ngôn ngữ bí ẩn hoà trong tiếng chiêng trầm hùng tiếng rừng, ì oạp tiếng cá quẫy nước, lóng lánh tiếng suối, ngân vang tiếng chim… đã bao lần điểm thêm ấn tượng kỳ vĩ về buôn Con Ó.

Chiều xuân – cũng như bao buổi chiều thanh thản khác - bà Ka Ghẹ lại mở khung dệt, đeo sợi dây vòng qua hông – dưới bàn tay thô rám của bà hiện lên những hoa văn cổ sơ hoang dã với những sắc màu độc đáo. “Đây là hình xoáy nước. Đây là mặt trời với hai mảng tối - sáng. Đây là mặt trăng. Đây là sao đêm…” - bà Ka Ghẹ giải thích. Và không hiểu sao mỗi lần ngắm những tấm vải dệt của người phụ nữ Mạ buôn Con Ó bao giờ tôi cũng thấy ở đó thấm đẫm một tình yêu thiên nhiên thông qua những ý tưởng hình họa độc đáo.

Buôn Con Ó có nghề dệt thổ cẩm “nổi tiếng thế giới dân tộc.
Buôn Con Ó có nghề dệt thổ cẩm “nổi tiếng thế giới dân tộc.

Dư âm của đám cưới con gái vẫn còn đang chếnh choáng nửa vời trong nồng nàn hương vị lúa mẹ. “Bữa nay ít trâu quá, chỉ làm thịt con heo, con gà thôi - Vợ chồng K’Năm vui vẻ tiếp tôi - Ka Nga nhớ không? Hồi trước (năm 1980 –1990) giờ này chỉ nghe tiếng cây nêu hát thôi” và buôn Con Ó của năm trước lại hiện về mồn một trong trí nhớ của tôi: nhà dài nối tiếp nhau, trước mỗi ngôi nhà là cây nêu. Cây nêu được khắc và tô màu với tất cả hình ảnh của cuộc sống mà trung tâm là hoạ tiết hình mặt trời. Người Mạ gọt những miếng gỗ nhẹ treo trên cây nêu, gió đưa qua đưa lại tạo ra tiết tấu rộn ràng của mùa xuân.

Năm đó, chúng tôi nhắm vào ngôi nhà dài nhất buôn Con Ó. Trong nhà có 4 bếp lửa với 24 người theo huyết tộc mẹ. Trước cửa vòm có 3 cây nêu. Cây nêu ở giữa cao nhất buôn - từng cặp thiếu nữ, đàn bà để ngực trần, mặc váy tự dệt đang giã gạo chày đôi. Những người đàn ông đóng khố, mỗi bước chân của họ đều vang lên tiếng của những lục lạc được khâu vào hai bên vạt khố. Đó là ngôi nhà dài của bà Ka Ghẹ. Một ngôi nhà nhiều tô choé, ná, đồng la, bàn thờ thần mặt trời, thổ cẩm… nhất buôn Con Ó.

Mùa xuân trở lại buôn Con Ó

Bữa chiều ấy, mỗi bếp lửa mang đến cho chúng tôi một sớp cơm, một tô rau bép, một miếng thịt nai khô nướng, một nắm muối rang và tiết trâu ủ chua ăn với đọt mây – một món ăn chỉ để đãi khách quý. Buổi sáng hôm sau, khi mặt trời còn khuất sau những đỉnh núi, bà Ka Ghẹ trở dậy ra thẳng ống nước dẫn từ núi về dầm mình trong cái lạnh thấu xương… Từ đó bà trở thành nhân vật của tôi, tôi đi tìm bà và nhận ra một quy luật: Cứ ba năm buôn Con Ó dời đi một địa điểm khác, duy chỉ có tên buôn là không thay đổi. Tìm bà, tôi cảm nhận được bản du ca của buôn Con Ó – Bản du ca của những người đi tìm đất sống. Và bà Ka Ghẹ chính là âm hưởng chủ đạo của bản du ca đó.

Cứ như vậy, từ năm này qua năm nọ, từ đời này qua đời khác người Mạ ở buôn Con Ó luân canh ở vùng lòng hồ Đạ Hàm bây giờ - Dưới chân vùng Trường Sơn Nam – họ yêu biết bao chốn này, nơi một màu xanh ngắt của rừng già chảy tràn trên những đỉnh núi mờ sương… Nơi đây là “một cõi đi về” của họ - Dẫu nghèo khổ nhưng họ luôn mang theo trong cuộc du ca đi tìm đất sống một kho tàng văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú và hấp dẫn.

Ngày Tết, những người phụ nữ mang bộ váy đẹp nhất ra mặc. Những đường thẳng và gấp khúc chạy theo chiều dài của tấm váy khi ôm lấy cơ thể người mặc tạo các dải nằm ngang. Các đường thẳng được bố trí ở hai bên mép tạo thành các dải mầu như được đóng khung để phô bày những đường nét nổi bật bên trong. Ở buôn Con Ó, mùa xuân như rực rỡ hơn, biến hoá hơn trên nền những tấm thổ cẩm…

Và thế, buôn Con Ó, mùa xuân này cũng như bao mùa xuân trước, vẫn là “một cõi đi về” của tôi.

Đinh Thị Nga

Mong manh giấy dó Quảng Uyên

Mong manh giấy dó Quảng Uyên

Giữa buổi chợ phiên tấp nập người qua lại, bà Hoàng Thị Lý (Quảng Uyên, Cao Bằng) ngồi đó với cái lồ đựng đầy giấy bản, mặt buồn rượi.