Giữa buổi chợ phiên tấp nập người qua lại, bà Hoàng Thị Lý (Quảng Uyên, Cao Bằng) ngồi đó với cái lồ (vật dụng dùng để chứa, đựng đồ của người dân tộc ở Cao Bằng) đựng đầy giấy bản (hay còn gọi là giấy dó, tiếng dân tộc nơi đây gọi là chỉa sla) mặt buồn rượi.
Mắt bà dõi theo từng người, từng người, chỉ cần có bước chân nào chợt chậm lại, hướng ánh nhìn về phía mình là lại cất lời mời: “au chỉa sla né pả, a ơi?”! Tay bà nâng từng tệp giấy lên, rồi lại hạ xuống, chẳng mấy ai mua. Giờ chưa tới dịp lễ Tết, cũng còn lâu nữa mới tới tiết Thanh Minh, lễ Tảo mộ nên cả lồ giấy bản bà đem ra chợ từ tờ mờ sớm chẳng vơi đi phần nào.
Nhà bà Tày nằm cách chợ huyện 10km, dạo gần đây cậu con trai đi học ở xa đã về, nên sớm nay bà được nó đèo ra chợ bằng xe máy, chứ ngày trước mất gần hai giờ đi bộ mới ra tới chợ. Hai mẹ con chia nhau mỗi người ngồi một góc chợ bán giấy, giá 7.000 - 10.000/ tệp, mỗi tệp 10 tờ, cả phiên hai mẹ con bà Tày chỉ bán được 200.000 đồng.
Nghề làm giấy bản của người Nùng An ở Quốc Dân đã có từ hàng trăm năm, giấy thường bền dai, ít bị mối, mọt, không nhòe khi viết, vẽ, nên được người dân trong tỉnh ưa chuộng. Trước kia, giấy được dùng để lưu giữ các tài liệu như ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian, gia phả dòng họ hay sử dụng trong các nghi lễ truyền thống như lễ tết, ma chay, cưới hỏi của đồng bào dân tộc trong vùng.
Giấy bản (hay còn gọi là giấy dó) Quảng Uyên. |
Hiện nay, giấy bản truyền thống không còn được tiêu thụ nhiều như trước bởi sự cạnh tranh về mẫu mã, giá cả của các sản phẩm giấy công nghiệp, hay giấy Trung Quốc, tuy nhiên vẫn được một số người dân sử dụng trong các hoạt động tín ngưỡng, hay để gói, bọc bỏng, khẩu sli. Công việc làm giấy vất vả, thu nhập không cao khiến cho công tác gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống càng thêm phần khó khăn.
Anh Mông Văn Lập (22 tuổi, Phung Trên, Quốc Dân, Quảng Uyên, Cao Bằng), con trai bà Lý kể: Để chuẩn bị được nguyên liệu làm giấy, cũng mất khoảng 2 – 3 ngày. Nguyên liệu chính để mẹ anh làm ra những tệp giấy dó là cây mạy sla, nếu mẹ anh không tự lên rừng kiếm được, sẽ phải mua lại từ người khác. Có 2 loại mạy sla để làm giấy: mạy sla dạng dây leo và mạy sla cây, mạy sla dạng dây giờ ít có, chủ yếu người dân ở đây hay dùng mạy sla cây. Từ cây mạy sla thu được, người dân bóc lấy lớp vỏ cây, rồi đem đun sôi lên để dễ bóc tách lớp vỏ đen bên ngoài, chỉ giữ lại lớp vỏ cây có màu trắng.
Sau khi bóc lớp vỏ đen bên ngoài, lớp vỏ trắng cây mạy sla được giữ lại rồi ngâm trong nước. |
Ngày nắng, bà đem những lớp vỏ cây mạy sla ra sân phơi cho khô, ít nhất phải phơi được 1 nắng thì giấy làm ra mới không bị đen. Vỏ mạy sla khô, bà đem ngâm trong bể nước vôi từ 1 – 2 giờ, sau đó lại nổi lửa, đun vỏ cây lần thứ hai. Đun được 3 – 4 giờ, bà vớt vỏ cây ra mương nước gần nhà ngâm 1 ngày cho trôi hết nước vôi và cặn vôi. Khi vỏ mạy sla đã trắng và mềm, bà vớt lên rồi dùng chày đập, giã cho tới khi vỏ mạy sla mềm, nhuyễn ra để làm thành bột giấy. Bột giấy được cho xuống một cái bể chứa hình chữ nhật, đổ thêm nước và nước nhớt lấy từ một loại cây rừng, rồi khuấy thật đều là xong khâu chuẩn bị nguyên liệu cho việc làm giấy.
Nghề làm giấy bản chủ yếu do phụ nữ làm, nhất là khâu seo giấy bởi đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ. Bà Nông Thị Tày (xóm Lũng Ỏ, xã Quốc Dân, Quảng Uyên) vừa đưa tay seo giấy, vừa nói: “Làm chỉa sla vất vả lắm, không những phải tìm nguyên liệu mà công sức, thời gian bỏ ra cũng nhiều. Giờ trong làng thanh niên không còn ai muốn học làm giấy, chỉ còn những người già như bá vẫn giữ nghề của ông bà”.
Bà Nông Thị Tày đang seo giấy |
Tay bà cầm hai đầu tấm mành nứa được căng trên khuôn gỗ, gọi là liềm seo giấy, người làm chao đi chao lại trong bể bột giấy để lớp bột dính trên mành của liềm seo. Khi đã thấy đủ độ dày dặn, bà dùng một thanh nứa mảnh rọc tờ giấy, tùy theo kích thước muốn làm, thông thường thì có hai khổ là 18 x 18 cm hoặc 20 x 30 cm. Sau đó, tháo phần khuôn gỗ, úp ngược mành để lớp giấy phía dưới được xếp chồng chính xác lên lớp giấy trước. Nhờ có chất nhớt từ cây rừng, giấy ướt có thể xếp chồng lên nhau, ép cho đỡ nước và dễ dàng bóc ra phơi cho khô để thành tờ giấy dó thành phẩm.
Các lớp giấy sau được xếp chồng chính xác lên lớp trước cho ráo nước |
Điều đặc biệt là cách người dân ở đây phơi giấy: họ dán từng tờ giấy ướt lên vách gỗ, lên tường nhà, khiến những bức tường được trang trí bằng giấy bản trông rất vui mắt, thoạt nhìn qua là biết ngay nhà ấy đang làm giấy. Nếu trời nắng hoặc có gió hanh thì chỉ một tiếng là khô, còn trời nồm thì có khi để tới 3 ngày mới được thu dọn. Giấy khô được xếp và bó lại thành từng cuộn để sẵn ở nhà. Khi có phiên chợ hoặc tới gần các dịp lễ Tết trong vùng thì đem ra chợ bán. Nhà nào làm nhiều, bán được giá cao thì có thể thu được 10 - 15 triệu đồng/ năm, đủ để mua sắm thêm được nông cụ hay đóng tiền học cho con cái.
Từng tờ giấy ướt được dán lên các vách gỗ, tường nhà để phơi khô. |
Từ khi Cao Bằng triển khai dự án “Tăng cường sinh kế cho người dân tộc thiểu số thông qua du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng”, rất nhiều làng nghề truyền thống trong huyện Quảng Uyên như làng rèn ở Pắc Rằng, làng hương Phja Thắp, làng đan lát ở Đoài Khôn, làng làm giấy dó Lũng Ỏ… trở thành điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước, sản phẩm tại các làng nghề thủ công nơi đây được biết đến nhiều hơn.
Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ đồng bào, công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu gắn liền với làng nghề vẫn rất ít, hoặc không có, khiến cho nhiều làng nghề truyền thống trong vùng đứng trước nguy cơ bị mai một.
Khoai sọ Cụ Cang
Mùa thu này nếu có dịp về lại Thuận Châu, là sẽ lại được về với khoai sọ Cụ Cang, khoai lang Ninh Thuận.