Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 5)

“Sau này khi con đường hoàn thành, có ai còn nhớ đến tôi không” – lời trăng trối của liệt sỹ Lương Quốc Chanh cứ như một nỗi ám ảnh.

Kỳ 5: Có ai còn nhớ chúng tôi không?

“Sau này khi con đường hoàn thành, có ai còn nhớ đến tôi không” – lời trăng trối của liệt sỹ Lương Quốc Chanh, liệt sỹ trẻ nhất nằm lại đường HP cứ như một nỗi ám ảnh.

Ngưi ta đã lãng quên những bàn tay làm nên Hạnh Phúc suốt gần 50 năm, và cuộc trở về của những gương mặt mở đưng, đầy nỗi niềm với những ngưi đã không chờ kịp ngày đoàn tụ. 

Ai viết tên anh thành liệt sĩ?

Đã có 14 TNXP đã hy sinh vì khí hậu ác liệt, vì sự hiểm nguy khi thi công trên những mét đường đá. Vì tính chất liên tục của cung đường, anh em chỉ kịp an táng đồng đội ngay gần nơi hy sinh, chờ ngày cải táng. Cả 14 người sau đó được đưa về nghĩa trang TNXP (trước đây gọi là nghĩa trang Công trường) tại trung tâm huyện Yên Minh.

Ông Nguyễn Mạnh Thùy, Phó chủ tịch Hội TNXP Hà Giang vẫn đau đáu đi tìm người đã quy tập 14 anh chị em về một chỗ. Ông Phạm Đăng Bút, hiện đang sống tại Yên Minh, người gắn bó với nghĩa trang TNXP từ năm 1976 cũng nói: “Đến chúng tôi cũng không rõ ai quy tập hình thành nghĩa trang này từ khi nào”. Cũng theo ông Bút, nghĩa trang Yên Minh vốn chỉ có mộ bằng đất. Suốt từ năm 1970 đến 2009, nghĩa trang được huyện và Đoàn TN huyện chăm sóc. 

Ông Phạm Đăng Bút bên mộ liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm
Ông Phạm Đăng Bút bên mộ liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm

 Ông Trịnh Xuân Đảm, người có mặt đầu tiên của cung đường nhớ lại năm 1964, chính tay ông là người liệm và an táng ngôi mộ đầu tiên tại nghĩa trang Yên Minh của liệt sĩ Trần Đình Luân: “Tôi liệm cho ba đồng đội: anh Trần Đình Luân, anh Lương Quốc Chanh, chị Lý Thị Vân. Anh Luân là người đầu tiên nằm ở Yên Minh”.  Liệt sỹ Trần Đình Luân hy sinh khi đang trên đường mang nhu yếu phẩm lên Đồng Văn tiếp tế cho anh em. Xe anh bị lật khi qua đoạn cua dốc Thẩm Mã, con dốc vừa hoàn thành đoạn đường rải đá cách đó chưa lâu. Anh Luân theo mở đường từ những ngày đầu tiên, và xung phong ở lại tiếp tục cung đường đến Mèo Vạc, chưa kịp thấy ngày thông đường qua Mã Pì Lèng thì anh hy sinh. Như vậy có thể ghi nhận nghĩa trang TNXP hiện tại được hình thành bắt đầu từ năm 1964.

Tuy nhiên sau đó, ai đã đưa các anh chị em còn lại về đây thì vẫn là một câu hỏi lớn. Ngoại trừ liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm, mãi đến ngày 7-1-2015, sau rất nhiều nỗ lực, những người bỏ mình vì Hạnh Phúc mới chính thức được công nhận là liệt sĩ. 14 nấm mộ mới bớt lạnh sau từng ấy năm ven đường. 

14 liệt sĩ, có người mới chỉ vừa 17-18 tuổi. Liệt sĩ Lương Quốc Chanh, 17 tuổi trốn nhà đi theo anh chị, đuổi theo xe chở TNXP lên Hà Giang. Nắng gió vùng cao quật ngã người thanh niên nhiều nhiệt huyết sau trận sốt rét rừng ác liệt năm 1961. Câu nói trước khi mất của anh thành nỗi day dứt khôn nguôi với tất cả đồng đội C Lạng Sơn ngày ấy: “Mai này con đường hoàn thành có ai còn nhớ đến tôi không”. Liệt sĩ Giàng Mí Nô, hy sinh khi mới 17 tuổi. Đến giờ anh vẫn nằm tại Yên Minh, không ai rõ người thân của anh giờ ra sao. Lễ kỷ niệm 50 năm, khi trao kỷ niệm chương cũng bằng liệt sĩ, tất cả thân nhân các gia đình liệt sĩ được mời đến dự lễ, chỉ riêng với trường hợp Giàng Mí Nô – đại diện UBND xã Mèo Vạc phải lên nhận thay. 

Liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm, hy sinh khi chỉ còn vài ngày nữa là lễ khánh thành tưng bừng ở Mèo Vạc. Ông Trần Anh Tuấn kể lại khi đó đường đã làm xong, chỉ chờ ngày 20-9 để thông xe. Anh em đã chuẩn bị mấy mâm rượu thịt để ăn mừng ở các C. Anh Phẩm đi ngang qua dốc Mã Pì Lèng, chợt đá rơi xuống đúng lúc hai bố con người Mông đi ngang. Anh Phẩm lao ra kéo họ lại, còn mình mất đà rơi xuống vực. Bốn đồng đội phải đu dây xuống đưa anh lên, thân thể không nguyên vẹn. Đêm hôm đó công trường thành ngày đại tang. Anh em canh thi thể ông Phẩm đến xác vì sợ thú dữ đến quấy nhiễu. Rượu thịt bao lâu chuẩn bị cũng gác lại ơ hờ. 

Còn những cái tên Vũ Cao Vân, Lý Thị Vân, Dương Đình Sản, Triệu Văn Thoong, Vi Văn Đạo… , không ai bị lãng quên trong lòng những đồng đội của họ. 

Nghĩa trang TNXP mở đường Hạnh Phúc tại huyện Yên Minh
Nghĩa trang TNXP mở đường Hạnh Phúc tại huyện Yên Minh

Những người không chờ được vinh danh 

Năm 2014, UBND tỉnh Hà Giang đầu tư 2 tỷ đồng cải tạo nâng cấp nghía trang TNXP Yên Minh. Lễ kỷ niệm 50 năm được tổ chức rầm rộ. Ngày gặp mặt muộn màng, rất nhiều cái tên làm nên Hạnh Phúc đã phải vắng mặt. Ông Phạm Quang Bút trầm ngâm: “Buồn là anh em đồng đội sau 50 năm trở lại thiếu nhiều quá, không gặp đủ, một số mất rồi, một số già yếu, xa xôi rồi không lên được”.

Kiến trúc sư công trình, ông Phạm Đình Dy, người vẽ nên cung đường chỉ với cây thước tự chế đã ra đi chỉ gần một năm sau ngày kỷ niệm 50 năm. 

“Lão tướng” Sùng Đại Dùng huyền thoại đã nằm lại cuối đường Hạnh Phúc năm 2013. Ông già Mông không có dịp cất giọng hào sảng kể về những năm tháng vận động dân công làm đường, về khoảnh khắc phát biểu khi con đường hoàn thành tại sân vận động Mèo Vạc. “Kỷ niệm 50 năm, nhắc đến ông Dùng anh em chúng tôi đều khóc nhớ ông ấy”, ông Nguyễn Mạnh Thùy rưng rưng. 

Vũ Huy Phương, người thợ rèn choòng năm xưa cũng đã tạ thế từ hơn chục năm trước. Ông về lại quê Ninh Bình khi đến tuổi hưu, không còn kịp nhận kỷ niệm chương hay chế độ cho TNXP mới được cập nhật chưa lâu. Ông Phương đích thân khắc từng tấm bia ở mỗi đoạn đường hoàn thành. Nhưng không hiểu vì sao khi mở rộng con đường sau này, người ta đã mang bỏ những tấm bia lịch sử đó đi. Ông Phạm Quang Bút kể năm 1976, khi ông trở lại Yên Minh vẫn còn thấy tấm bia đó, rồi người ta mang nó đi mất lúc nào chẳng rõ. Ông Trịnh Xuân Đảm cũng thở dài: “Chúng tôi cứ tiếc mãi những tấm bia ấy”. Bây giờ Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn chẳng còn dấu tích gì của cung đường xưa nữa. Tấm bia duy nhất còn lại được dựng tại Mèo Vạc, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Giang. 

Tấm bia ghi lại từng chặng của đường Hạnh Phúc do ông Vũ Huy PHương tự tay khắc
Tấm bia ghi lại từng chặng của đường Hạnh Phúc do ông Vũ Huy PHương tự tay khắc

 Ông Hà Ngọc Nhị, người phụ trách an toàn cho tất cả anh em cũng đã mất. Nhắc đến ông Nhị, đội Cơ dũng năm xưa đều bày tỏ sự biết ơn người đàn ông nghiêm khắc, cẩn thận, tỉ mẩn với từng sợi dây, cái choong, cái búa của anh em. Lời thề “Kiên quyết không đổ máu trên Mã Pì Lèng” nhờ ông mà giữ trọn, chỉ có điều ngày gặp lại, ông đã không thể có mặt. 

Ông Đỗ Đức Dong, trưởng phòng vật tư của Ty giao thông năm 1959, đã mất vài năm trước. Ông Dong là người đóng vai trò quyết định trong việc xin trung ương cấp các dụng cụ, kinh phí cho việc làm đường. Việc phá đá khi đó không thể dùng búa, choòng trong nước làm, vì chỉ đập vài ba nhát là dụng cụ hỏng. Ông Dong đã chạy đôn chạy đáo mang được về những loại dụng cụ tốt nhất từ Liên Xô, CHDC Đức tài trợ để anh em công nhân yên tâm mở đường. Ông Phạm Đình Dy nói rằng nếu kể công của ty giao thông, thì không thể không nhắc đến ông Dong, chứ “Tôi có đáng gì, tôi chẳng khảo sát cũng có người khác khảo sát, quan trọng là người làm ấy”. 

Bốn người đội trưởng công trường năm xưa, gồm Bế Ru, Nguyễn Văn Thọ, Hoàng Kim Sơn, Vũ Đắc Điểm giờ đều đã khuất núi. Ông Vũ Đình Lập, con trai ông Điểm kể khi ông nhận công tác lên Yên Minh, lúc trở về, bố ông chỉ hỏi 1 câu: “Nghĩa trang thanh niên có còn không”. Ông Lập nói còn, chỉ thấy ông Điểm gật đầu. Ông Lập cũng nói những ngày ông Điểm còn, ông giữ cái thùng gồm những tấm ảnh chụp thời còn ở Đồng Văn – Mèo Vạc như báu vật. 

ÔNg Phạm Đình Dy (ngoài cùng bên trái) đưa đoàn văn nghệ sĩ thực tế ở đường Hạnh Phúc năm 1979 (nhà thơ Huy Cận đứng giữa)
ÔNg Phạm Đình Dy (ngoài cùng bên trái) đưa đoàn văn nghệ sĩ thực tế ở đường Hạnh Phúc năm 1979 (nhà thơ Huy Cận đứng giữa)

 Hai thành viên đội Thanh niên dũng cảm Nguyễn Sĩ Quốc, Lưu Văn Dương đến giờ vẫn chưa được quay lại Hà Giang. “Hà Giang à, nhớ lắm, muốn đi lắm”, ông Quốc lắp bắp, bệnh khớp kinh niên cùng với trí nhớ suy giảm không cho phép ông thực hiện chuyến đi xa như thế. Hôm Hà Giang mở hội kỷ niệm, ông Quốc cũng không được xem. Gia tài trở về từ Hà Giang của ông là một tấm giấy chứng nhận mối mọt đã xông nham nhở.

Ông Phạm Quang Bút thở dài: “Sau 50 năm chúng tôi mỗi người một nơi tưởng rằng cũng bị quên như bao con đường khác thôi, chứ không biết đó là huyết mạch, là con đường kỳ vĩ gì đó. Khi trở về cũng chẳng ai nhắc lại đâu”. 

Hơn 50 năm, cho dù ghi tên hay không ghi tên trên những chiến công, kỳ tích Hạnh Phúc những con người đó tạo ra là điều không gì có thể phủ nhận. Suốt 6 năm trên 185 cây số cung đường, nào đâu chỉ có một vài người vô danh. Có nhiều cái tên trong số ấy, thậm chí còn chưa một lần được trở lại Hà Giang ngắm nhìn thành quả mình góp tay xây dựng. Nỗi nuối tiếc bởi một sự ghi nhận muộn màng, có lẽ chỉ người trong cuộc thấm thía mà thôi. 

(Còn tiếp)

TN

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Hành trình mở đường Hạnh Phúc (Kỳ 3)

Trong một báo cáo năm 1962, công trường đề nghị tỉnh Hà Giang: “Cấp thêm ngô hoặc sắn cũng được, đừng cấp gạo nếp, ăn không no”.