Rộn ràng làng hương Phja Thắp mỗi độ Tết về

Hương Phja Thắp tuy chỉ được bó bằng sợi rơm mộc mạc, nhưng mùi thơm thảo mộc của loại hương này khiến mỗi người con xa quê bồi hồi thương nhớ.

Từ đầu tháng Chạp, người dân đã náo nức mua sắm thực phẩm, đồ dùng, trang trí nhà cửa, chuẩn bị cho một cái Tết được trọn đầy, dẫu là vật phẩm nhỏ bé, nhưng những bó hương thắp là thứ không bao giờ thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi gia đình Việt. Bởi nén hương xưa nay vẫn được coi là cầu nối giữa thế giới tâm linh và đời sống thực, gửi tấm lòng của con cháu tới tổ tiên, chuyển lời thỉnh cầu tới thần thánh. Dưới chân núi Phà Hùng hùng vĩ, như bao làng hương cổ truyển trên khắp cả nước, người làng Phja Thắp cũng đang tất bật gia tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Phja Thắp là một xóm nhỏ gần quốc lộ 3 thuộc xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, những ngôi nhà sàn dưới chân núi là nơi cư trú của 51 hộ dân người Nùng họ Hoàng. Người Nùng An nơi đây có truyền thống làm hương từ hàng trăm năm nay. Tầng dưới mỗi ngôi nhà sàn là một xưởng hương nhỏ, lúc nào cũng có mạy mười (cây mai) và những bao đựng lá, đựng bột làm hương.

Nghề làm hương ở Phja Thắp đã có từ hàng trăm năm nay.
Nghề làm hương ở Phja Thắp đã có từ hàng trăm năm nay.

Hương Phja Thắp tuy không đóng gói bắt mắt, mà chỉ được bó lại bằng sợi rơm mộc mạc, nhưng mùi thơm thảo mộc nồng dịu của loại hương này khiến người dân các vùng lân cận cực kỳ ưa chuộng. Trong những dịp lễ Tết, hay ngày rằm, mùng một, hiếu hỉ, hương Phja Thắp tỏa ra mùi thơm đặc trưng, thứ hương thơm của cỏ cây, của núi rừng khiến mỗi người con xa quê lại bồi hồi thương nhớ.

Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch, sau khi lúa đã gặt xong và rơm rạ đã chuyển hết lên gác chuồng trâu cất trữ cho mùa đông, người dân làng Phja Thắp lại rộn ràng chuẩn bị làm hương. Những que hương và lá cây thảo mộc được phơi khắp sàn, phơi tràn cả xuống ruộng, cho tới những lối đi trong làng, như báo hiệu một mùa hương Tết đang đến gần.

Nghề làm hương Phja Thắp không gắn liền với tên tuổi một hộ gia đình nào, cũng chẳng có công thức gia truyền, mà cả làng họ Hoàng đều làm hương theo một công thức chung: chẻ mạy mười làm que, lấy lá bâư hắt làm chất kết dính, và dùng mùn cưa, vỏ cây mạy khảo tạo mùi hương. Trừ những lúc bận việc đồng lúa, nương ngô, rẫy khoai, thì rảnh là từ người già tới em nhỏ, đàn ông hay đàn bà đều tham gia làm hương. 

Que mai đã chẻ và chuốt được lăn qua hỗn hợp bột.
Que mai đã chẻ và chuốt được lăn qua hỗn hợp bột.

Chị Hoàng Thị Bày - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quốc Dân chia sẻ: “Cũng không biết nghề làm hương ở Phja Thắp có tự bao giờ, chỉ biết là từ thời ông bà còn sống, chị đã biết làm hương”. Chị học làm hương từ nhỏ, bắt đầu là những công đoạn đơn giản nhất như bó hương cho đến khi thành thục hết các khâu làm hương như bây giờ. Làm hương không nặng nhọc như rèn dao, làm giấy, làm ngói, nhưng cũng chẳng thể gọi là nhàn. Nếu không lên rừng tìm cây, lấy lá, thì vạt áo chàm lúc nào cũng bám đầy mạt gỗ, bột hương.

Đầu năm, đàn ông trong làng sẽ đi tìm những cây mạy mười già để chẻ làm que hương. Mạy mười già gióng dài lắm, vừa cứng vừa dẻo, sau khi lấy về sẽ được ngâm nước 2-3 ngày để đỡ mối mọt. Rồi người ta dùng những con dao quắm sắc lẹm của làng rèn Pắc Rằng để chẻ hương, vót thành que nhỏ, tròn đều, với hai kích cỡ, cỡ lớn là 40cm, cỡ nhỏ là 30cm.

Cây hương Phja Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên, vẻ ngoài thô mộc, nên kích cỡ có nhỉnh hơn so với hương ở miền xuôi hoặc các vùng khác. Do vậy đòi hỏi người vót mai phải thật thành thạo và tỉ mỉ. Que mai không được dày quá, cũng không được mỏng quá bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để có tàn hương cong, đẹp.

Ông Hoàng Văn Lập, trưởng xóm Phja Thắp chia sẻ: “Năm 2011, xóm được phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ máy chẻ hương, và tập huấn cho 15 hộ trong xóm. Sau một thời gian sử dụng, người dân thấy dùng máy chẻ, que hương hay bị dập nát hoặc mỏng quá, hương cắm không thẳng, máy lại thường xuyên bị hỏng nên họ quay trở về phương thức chẻ hương bằng tay truyền thống”.

Nguyên liệu đặc trưng tạo nên thứ mùi thơm nồng nàn cho hương Phja Thắp chính là vỏ cây mạy khảo. Người Nùng nơi đây tâm niệm, loại cây này sống trên các vách núi đá cao, hấp thụ linh khí của đất và trời, khiến cây có mùi thơm kỳ lạ. Khi đốt bất kỳ bộ phận nào, cây cũng tỏa ra một mùi hương ấm nồng, làn hương ấy như sợi dây kết nối giữa cõi trần và thế giới các vị thần. Và vỏ mạy khảo được người dân đem về phơi khô, rồi đem xay mịn làm thành bột hương.

Khi tán bột, người làng chuẩn bị sẵn một mẹt lớn để đựng bột khô, bên cạnh là xô nước sạch. Que mai đã chẻ và chuốt được nhúng vào nước, rồi lăn qua hỗn hợp bột từ lá cây bâư hắt để làm chất keo dính. Người làm phải lăn đều tay, để bột kết dính đều lên thân hương. Tiếp đến, họ dùng một tay cầm bó hương, một tay tán bột mùn cưa, lặp đi lặp lại 4 lần công đoạn này. Cuối cùng, họ tán bột mạy khảo lên cây hương, để bột hương kết dính thành lớp bột tròn màu vàng thơm quanh que mai, để khô khoảng 15 phút rồi đem phơi.

Gặp ngày nắng đẹp, thì chỉ cần phơi 1 ngày là hương khô. Họ tận dụng từng khoảng sân, bãi ruộng trống, hay lối bê tông cạnh đường để phơi hương. Từng que hương thành phẩm được cắm vào các ống đá tròn nhỏ để phơi, mỗi ống cắm từ 7 - 10 que, tỏa ra tứ phía để hương khô nhanh và đều. Phải hôm trời âm u thì phải phơi khoảng 3 ngày mới được mẻ hương, muốn nhanh hơn có thể phơi hương trên những gác bếp. Ở đây, bà con không dùng lò sấy để làm khô hương bởi tác dụng của nhiệt độ cao sẽ khiến cho bột hương nhanh vỡ, rụng.

Các bó hương được cắm thẳng trên mặt ruộng để phơi khô.
Các bó hương được cắm thẳng trên mặt ruộng để phơi khô.

Hương khô, người dân sẽ gom lại thành từng bó lớn, nhuộm chân hương bằng thứ màu đỏ hồng bắt mắt để tăng thêm tính thẩm mỹ và chống mốc. Màu nhuộm khô, người ta dùng rơm buộc hương lại thành từng bó nhỏ, mỗi bó 20 que để bán, giá chỉ có 2.000 đồng.

Ở những phiên chợ thường trong năm, mỗi hộ chỉ làm 300 - 500 bó hương là đủ sọt đem bán. Những ngày giáp Tết, mỗi hộ có thể làm từ 2.000 - 2.500 bó hương. Dẫu thu nhập không cao, nhưng từ nghề làm hương, đời sống của người dân trong xóm được nâng lên. Nhiều gia đình có thu nhập khá, trung bình từ 30 - 50 triệu/ năm. Năm 2007, xóm có 33 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 10 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo.

Tháng 4/2018, từ khi Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, du lịch được phát triển hơn. Đặc biệt, từ khi mở ra tuyến tham quan “Trải nghiệm những truyền thống văn hóa ở xứ sở thần tiên” về phía đông, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng được chú trọng, nhiều làng nghề truyền thống nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn. Làng hương Phja Thắp cũng nhộn nhịp hơn khi tiếp đón nhiều lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. Người Nùng miền sơn cước nơi đây càng có nhiều điều kiện hơn trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha.

Diệu Thuần

Làm dâu người Ơ Đu

Làm dâu người Ơ Đu

Vai trò của các cô dâu trong gia đình Ơ Đu có ý nghĩa rất đặc biệt, quyết định sự tồn vong của cả một dân tộc.