Nghề mẹ cho...

Tôi chợt giật mình, vì cho tận đến khi Mẹ mất, tôi vẫn chưa một lần nào nói lời tri ân với Mẹ, rằng nhờ những nghề vặt Mẹ để cho, tôi đã được sống bằng hai bàn tay lao động của mình.

Đến đời mẹ tôi, dòng tộc đằng ngoại đã sinh sống trên đất Thăng Long được 8 thế hệ. Vào thời cực thịnh của gia đình, trong nhà có tám cô con gái, đều được dạy dỗ khá cẩn thận.

Mẹ kể, tất cả con gái trong nhà, cứ 13 tuổi là chị lớn lại dạy em các điểm trang, bới tóc... sao cho vừa tươi tắn, vừa trang nghiêm... Rồi cách ngồi khi đang mặc áo dài, cách cúi chào người bề trên sao cho vừa lễ phép lại không quỵ lụy hay xu nịnh. Và đặc biệt, tất cả các con gái trong nhà đều phải học nữ công gia chánh. Ai cũng phải biết nấu cỗ, làm bánh mứt các loại.

Những ngày sắp Tết, trong nhà giống như đang diễn ra lễ hội ẩm thực. Mỗi con gái đủ 13 tuổi trở lên đều cố gắng làm một món bánh hoặc mứt độc đáo nào đó để chứng tỏ khả năng nữ công của mình. Để cha mẹ và các anh chị em thưởng thức, và để mời khách.

Quây quần cùng nhau gói bánh cho ngày Tết
Quây quần cùng nhau gói bánh cho ngày Tết

Chúng tôi lớn lên, thời thế đã đổi khác. Không còn một đại gia đình với quần là áo lượt, son phấn và gôm chải tóc hay những món bánh mứt thơm tho. Cả nước sống giản dị trong khó khăn của thời chiến. Nhưng ở căn hộ tập thể của bố mẹ tôi, cái nếp “nữ công gia chánh” của mẹ vẫn lặng lẽ diễn ra. Không phải để khoe với khách, mà là để... kiếm sống.

Mẹ làm bánh, mứt các loại từ các nguyên liệu kiếm được như chanh, quất, gừng, cà chua... đựng đầy vào những chiếc hộp các tông tự chế, bên trong lót một lượt vôi cục dưới lớp giấy báo để chống ẩm, rồi mang giao cho các hàng bán đồ vặt ngoài chợ Hàng Da. Nhờ đó tôi biết hóa ra chanh cốm có thể làm mứt, mà lại rất ngon vì cái vị the đắng nhè nhẹ của vỏ chanh khiến cho món đồ ngọt không gây ngán. Ngày Tết thường lạnh, chút the đắng ấy lại khiến cho cái lạnh lùi bước khi mà áo không đủ ấm.

Năm tôi 13 tuổi, như một quy ước ngầm của gia đình mà mẹ vẫn tuân thủ, mẹ dạy tôi trang điểm bằng những thứ kem phấn có thể kiếm được như kem chống nẻ và phấn rôm. Có người ở Liên xô về cho mẹ cây son. Mẹ dạy tôi đánh má hồng bằng cây son ấy, tô môi cũng bằng nó. Tất nhiên là tôi chỉ học để khi hội họp hay liên hoan gì đó với lớp mới dùng. Nhưng bởi những đồ trang điểm đặc biệt nghèo nàn ấy, nên mẹ phải dạy tôi rất kỹ để gương mặt được trang điểm không “lộ liễu”, hay nguệch ngoạc thành hề. Mẹ cũng dạy tôi cách đi đứng, chào hỏi khi đang được mặc chiếc áo dài trên người. Rồi mẹ dạy tôi làm một số loại bánh, mứt cho ngày Tết.

(Ảnh minh họa: nohat)
(Ảnh minh họa: nohat)

Chỉ khi tôi có gia đình riêng, phải chống chọi với muôn vàn khó khăn khi chỉ có đồng lương công chức ít ỏi, tôi mới chợt nhận ra những gì mẹ dạy thật không thừa. Ngày Tết, tôi bắt đầu làm bánh cravat, một loại bánh rất dễ làm bằng bột mì, nhưng trẻ con rất thích ăn bởi độ giòn và ngọt thanh từ đường kính xào chảy vừa độ bám trắng lấm tấm trên mặt bánh. Hóa ra thứ bánh đơn giản ấy bán rất chạy, vì nó rẻ và ngon.

Nghề mẹ cho...

Rồi tôi chuyển đến một khu vực có rất nhiều cây cảnh. Trong những vườn quất, trái quất chín sớm thường bị cắt bỏ vì nó có thể rụng để lại cuống làm xấu cây. Tôi nhớ chuyện mẹ từng làm mứt chanh, mứt quất năm xưa... và lẳng lặng thử làm. Hóa ra mứt quất của tôi rất dẻo và ngon, khác hẳn những miếng mứt quất trong các túi mứt Tết vẫn bán trong các quầy mậu dịch. Tôi đem mời mọi người, và lập tức có... đơn đặt hàng. Tôi nảy ý đem mứt gửi bán ở các quầy bánh mứt kẹo ở trung tâm thành phố, và đ ược đón nhận ngay.

Cứ như vậy, những nghề vặt của mẹ đã giúp tôi đi qua được bao nhiêu tháng ngày khó khăn. Mùa hè đan khăn, áo len để bán vào mùa đông. Mùa đông làm bánh ăn chơi, làm mứt cho ngày Tết... Chủ nhật mùa cưới thì đi trang điểm cô dâu. Quanh năm tôi không ngơi tay, và cũng lo đủ được cho gia đình.

Đôi lúc vẫn bâng khuâng nghĩ, không biết khi ông bà ngoại tôi dạy các con gái nữ công gia chánh, các cụ có đoán rằng một ngày nào đó, cháu ngoại của các cụ lại dùng chính những việc vốn chỉ để làm trang sức cho các cô gái con nhà gia giáo để kiếm sống không? Và Mẹ tôi... Tôi chợt giật mình, vì cho tận đến khi Mẹ mất, tôi vẫn chưa một lần nào nói lời tri ân với Mẹ, rằng nhờ những nghề vặt Mẹ để cho, tôi đã được sống bằng hai bàn tay lao động của mình, được ngẩng cao đầu không phải quỵ lụy ai, được mỉm cười nhớ về một thời... dù gian khó cực nhọc nhưng đầy ắp những kỷ niệm.

Trịnh Thanh Nhã

Chiến lược dạy con

Chiến lược dạy con

Nguyễn Anh Khuê - Giám đốc một phòng giao dịch của Ngân hàng BIDV, chia sẻ về chuyện dạy con, mối quan tâm hàng đầu của chị.