Mẹ cảm thấy thế nào

Ly hôn có thể rất tồi tệ, nhưng cuộc sống sau ly hôn có tồi tệ hay không là do cách chúng ta đối diện với nó như thế nào

Sau quyết định ly hôn và giành được quyền nuôi con của tòa, tôi bắt đầu dẹp tất cả những gì thuộc về quá khứ và chuẩn bị một kế hoạch mới cho cuộc sống riêng của hai mẹ con - một cuộc sống không có người đàn ông bên cạnh.

Con gái tôi, khi đó mới 5 tuổi, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận những biểu hiện tiêu cực của con bé. Tôi chuẩn bị sẵn rất nhiều những câu trả lời “thuyết phục” để ứng phó khi con bé hỏi tôi về cuộc sống mới, về những thay đổi trong cuộc sống của hai mẹ con tôi.

Tôi không ngừng ám ảnh về việc mình là một người mẹ tồi tệ, không cho con gái một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc dường như bóp nghẹt không gian của tôi mỗi ngày, khiến tôi luôn căng thẳng và nặng nề. Cộng thêm nỗi buồn từ cuộc hôn nhân thất bại khiến tôi không ngừng gắt gỏng và bực bội.

Con bé tỏ ra hoàn toàn thoải mái và gần như tự tìm niềm vui, còn tôi thì luôn nặng trĩu tâm can (Ảnh minh họa) 
Con bé tỏ ra hoàn toàn thoải mái và gần như tự tìm niềm vui, còn tôi thì luôn nặng trĩu tâm can (Ảnh minh họa) 

Nhưng không hẳn như những gì tôi dự cảm, con bé không hề mảy may hỏi gì về việc: Vì sao bố không còn ở với chúng ta? Con bé tỏ ra hoàn toàn thoải mái và rất ổn, và gần như tự tìm ra niềm vui với cuộc sống hiện tại. Một thời gian sau ngày ly hôn, tôi vẫn thấy con bé hồn nhiên chơi đùa, thậm chí không có bất cứ biểu hiện buồn bã, hoảng loạn nào khi bố con bé rời đi. Và tôi thì ngược lại, luôn nặng trĩu tâm can vì cảm giác lỗi lầm.

Suy nghĩ có lỗi khiến tôi có xu hướng nuông chiều và đáp ứng một cách vô điều kiện những đòi hỏi của con bé nhiều hơn. Nhưng là sự nuông chiều để thỏa mãn sự dày vò tâm trí của chính mình, mà mãi sau này, khi đủ bình tâm tôi mới nhận ra điều đó. Tôi gần như không đủ mạnh mẽ để từ chối con bất cứ điều gì, cho con bé ăn tất cả những đồ ăn nó thích và mua tất cả những đồ chơi nó vòi vĩnh, tôi nghĩ rằng đó là cách để giải tỏa khỏi ám ảnh của lỗi lầm của tôi khi hôn nhân tan vỡ.

Đôi khi, tôi cảm thấy chết chìm trong những lời khuyên về việc tôi phải mạnh mẽ, phải kiên cường, phải bảo vệ con mình, phải sống vì con. Thế là tôi lao vào kiếm tiền nhiều hơn, tôi hầu như không đi chơi mà quanh quẩn ở nhà với con, và thường xuyên suy kiệt vì làm việc quá sức, cộng thêm áp lực từ cuộc sống khiến tôi rất dễ cáu gắt và thường xuyên quát tháo tất cả mọi người xung quanh.

Một hôm, sau khi rời mắt khỏi màn hình máy tính, tôi thấy con gái mình bày bừa đồ chơi ra khắp nhà, đồ ăn vương vãi lung tung, tôi lập tức gào lên giận dữ và quát tháo rất lớn, bắt con đi dọn dẹp nhà cửa và trách móc vì con đã làm mẹ mệt hơn khi không biết giữ nhà cửa gọn gàng. Tôi quên mất rằng con bé đã chỉ có một mình với những con búp bê làm bạn khi tôi dán mắt vào màn hình máy tính, và con bé đã hiểu rằng không nên vòi vĩnh mẹ khi mẹ làm việc, đó là giới nghiêm. Trong khi tôi giận dữ, con bé chỉ nhìn tôi với ánh mắt trong trẻo, và hỏi rất nhẹ nhàng: “Mẹ làm việc có mệt không, mẹ cảm thấy thế nào?”.

Con bé giúp tôi nhận ra chính bản thân đang gieo tiêu cực lên chính cuộc sống của hai mẹ con (Ảnh minh họa)
Con bé giúp tôi nhận ra chính bản thân đang gieo tiêu cực lên chính cuộc sống của hai mẹ con (Ảnh minh họa)

Câu hỏi ấy đã ám ảnh tôi rất nhiều ngày sau đó, tôi lờ mờ nhận ra mình đang sống những chuỗi ngày tồi tệ, và gieo tiêu cực lên chính cuộc sống của hai mẹ con tôi. Tôi cảm thấy mình thực sự chưa một lần tạm gác lại những cảm nhận của mình để hiểu xem con bé đang cảm thấy thế nào. Tôi sống trên thói quen và sự đánh giá của những người xung quanh, nhưng lại gần như chưa hiểu gì về con mình. 

Với một số người cha, người mẹ, đôi khi chúng ta nhầm lẫn vai trò giữa cha mẹ và con cái, chúng ta nghĩ rằng con cái hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, nhận từ chúng ta từ cái ăn, cái mặc đến niềm vui hay nỗi buồn, và cứ thế chúng ta tự tạo áp lực và căng thẳng lên chính mình, cho rằng mình là người quyết định tất cả.

Nhưng thực tế, trẻ nhỏ độc lập và mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng, vì chúng không sống dựa trên sự đánh giá của người khác, chúng vui nếu có một niềm vui đến, và chỉ buồn khi niềm vui ấy thực sự mất đi. Và đôi khi, trẻ nhỏ cho chúng ta nhiều năng lượng tích cực và cảm hứng sống hơn rất nhiều.

Ly hôn có thể rất tồi tệ, nhưng cuộc sống sau ly hôn có tồi tệ hay không là do cách chúng ta đối diện với nó như thế nào mà thôi. Và đôi khi, niềm vui không chỉ đến từ một cuộc sống có - vẻ - đầy - đủ, mà đến từ việc chúng ta “Cảm thấy thế nào”. Đó là bài học lớn mà chính cô con gái 5 tuổi đã dạy cho tôi.

Lan Anh

'Tôi thậm chí từng bị gọi là bà mẹ xấu xa, nhưng tôi biết rốt cuộc con sẽ hưởng lợi từ đó'

'Tôi thậm chí từng bị gọi là bà mẹ xấu xa, nhưng tôi biết rốt cuộc con sẽ hưởng lợi từ đó'

'Tôi muốn đáp ứng nhu cầu của con trai tôi nhưng tôi cũng muốn quan tâm tới chính những nhu cầu của tôi nữa' - Tác giả Amanda Elder chia sẻ.