Khi con sợ

“Mẹ ơi, con sợ tiêm đau”, “sợ đi xe hai bánh sẽ ngã”, “tắt điện con sợ tối” và “con sợ ở nhà một mình nữa, con sợ là không có mẹ!”. Mẹ không thể cả ngày kè kè bên con và giúp con tránh xa tất thảy mọi điều con lo sợ. Nhưng qua cách phản ứng với chú chó Ken, mẹ muốn tập cho con hình thành nên thói quen tự mình vượt qua những nỗi sợ.

 Đang chơi ngoài sân tập thể, chợt thằng bé hớt hải chạy lại bên mẹ, nói lớn :

- Mẹ ơi, con Ken nó cứ đuổi theo con í, con sợ lắm! Con sợ nó cắn con.

Bé sợ hãi khi chú chó nhỏ chạy tới
Bé sợ hãi khi chú chó nhỏ chạy tới

Rồi nó lẩn nhanh ngay ra sau, tay bám chặt lấy ống quần mẹ, trốn chú một chú chó phốc bé nhỏ vừa chạy tới.

- Con trai, đừng sợ! Con hãy cầm lấy tay mẹ, bước lại đây, bớt hoảng hốt và đừng bỏ chạy nữa nhé! Có thể là con Ken muốn đùa với con đấy. Mỗi khi con chạy, Ken nghĩ là con đang muốn chơi đuổi bắt với nó, như chú hàng xóm và như con cùng em bé hay chạy đùa với nhau ấy mà! - Thằng bé mở tròn mắt, đầy hoang mang và hoài nghi nhìn mẹ, nhưng vẫn cố làm theo.

- Giờ thì con ngồi xuống cùng mẹ và vuốt ve Ken xem sao nhé?

Nó sợ sệt, rón rén đưa một tay khẽ chạm lên đầu con Ken, tay kia vẫn nắm chặt lấy mẹ.

- Á, nó liếm tay con mẹ ạ!

Con Ken quẫy tít đuôi, la liếm khắp tay rồi liếm lên mặt thằng bé.

- “Con Ken làm con buồn quá!” – Thằng bé ngoảnh đi, đưa hai tay giữ chú chó nhỏ tránh xa khỏi khuôn mặt nó, rồi nhoẻn cười.

- Con thấy chưa, con Ken đâu có đáng sợ, nó cũng không hề cắn con? Mẹ nghĩ là nó yêu con nữa, con ạ!

Nhìn con vui với người bạn mới, mẹ mỉm cười thầm nghĩ: Nếu mẹ bế con lên để tránh xa Ken, ôm con vào lòng và dỗ dành con rằng “con yêu đừng sợ!”, thì lần ấy con cũng ổn thôi. Nhưng mẹ biết, ngoài Ken ra, còn rất nhiều thứ khác làm con sợ hãi, như con từng giãi bày trong những câu chuyện rời rạc của mình: “Mẹ ơi, con sợ tiêm đau”, “sợ đi xe hai bánh sẽ ngã”, “tắt điện con sợ tối” và “con sợ ở nhà một mình nữa, con sợ là không có mẹ!”. Mẹ không thể cả ngày kè kè bên con và giúp con tránh xa tất thảy mọi điều con lo sợ. Nhưng qua cách phản ứng với chú chó Ken, mẹ muốn tập cho con hình thành nên thói quen tự mình vượt qua những nỗi sợ.

Con trai nhỏ bé của mẹ, mẹ biết con sợ hãi không có nghĩa là con đuối hèn, chỉ là bởi vì chưa quen, chưa hiểu biết hoặc hiểu sai về một điều gì đó. Con biết không, nỗi sợ cũng giống như con Ken, cũng thích chơi trò đuổi bắt. Con càng khóc lóc, càng hoang mang, lo lắng, thì nỗi sợ càng lớn lên. Và nước mắt không thể xua đuổi hay ngăn cản được nỗi sợ đến bên con. Thay vì giữ trong mình một trái tim sợ hãi, rồi tìm cách bỏ chạy, tránh xa, thì mẹ nghĩ con nên dừng lại, tự đối diện với nỗi sợ của mình, như cách con đối diện và ứng xử với Ken ấy. Dĩ nhiên là điều đó không hề dễ dàng, nhưng con biết đấy, mẹ sẽ luôn ở bên. Để động viên và để khích lệ, mẹ không thể giúp đỡ gì nhiều hơn những việc ấy. Phần còn lại là do con và chỉ mình con mới có thể quyết định được kết quả.

Sau này khi con lớn lên, những nỗi sợ trong con sẽ dần dần đổi khác, có thể là: sợ học hành, thi cử, sợ thất bại, sợ cả thành công, sợ yêu thương, sợ dối lừa, sợ mất mát… Mẹ không mong là con sẽ hết sợ hãi, chỉ muốn rằng con sẽ không đầu hàng trước những nỗi sợ của mình!

Diệu Thuần

Cha mẹ vô tình đẩy con vào tình huống nguy hiểm khi để con tham gia các hoạt động này

Cha mẹ vô tình đẩy con vào tình huống nguy hiểm khi để con tham gia các hoạt động này

Cha mẹ luôn bảo vệ con cái tránh xa các nguy hiểm nhìn thấy được, nhưng đôi như những nơi được cho là an toàn cũng chứa đựng rủi ro tiềm ẩn.