1. Tránh vào thang máy với người lạ
Bạn hãy dạy bé chờ thang máy trong tư thế chủ động, gần cửa và quan sát mọi người xung quanh. Nếu có người lạ bước vào thang chung với bé, hãy tìm cách kiếm cớ để không phải đi chung thang máy với người này.
Nếu người đó cứ cố tình kéo bé vào thang máy, hãy nói to: “Bố mẹ dặn cháu không đi chung thang máy với người lạ” hoặc là "Cháu đang đợi bố đi cùng thang máy, bố cháu đang đến". Nếu người lạ cố gắng lôi bé vào thang máy, bịt miệng bé thì bé phải hét lên, cắn người đó đó để thoát ra và tìm sự giúp đỡ.
2. Nhận diện kẻ xấu
Hãy dặn bé rằng, kẻ xấu không nhất thiết phải là người bặm trợn, râu ria xồm xoàm, người có nhiều hình xăm. Họ cũng có thể là những người ăn mặc trí thức, đeo kính, nói năng nhẹ nhàng. Thế nên, con phải hết sức cảnh giác, không được đồng ý gặp gỡ, nói chuyện, đi chơi với người lạ.
3. Nghĩ ra mật khẩu gia đình
Đưa ra mật khẩu gia đình là một ý tưởng khá hay khi dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Ba mẹ hãy dạy bé rằng nếu có ai đó đến nói với con: “Đi với chú. Chú sẽ đưa cháu đến gặp bố mẹ” thì điều đầu tiên bé phải làm là hỏi lại: “Bố mẹ cháu tên gì? Mật khẩu gia đình cháu là gì?”.
Bố mẹ nên dạy bé một câu mật mã trong tình huống khẩn cấp (ví dụ như nếu bạn nhờ một người khác đến đón bé ở trường thì người đó cần phải biết được câu mật mã của gia đình mới được đón).
4. Đeo đồng hồ có nút khẩn cấp
Hiện nay, có nhiều loại điện thoại, đồng hồ, vòng tay thông minh... với thiết bị này, bạn có thể theo dõi vị trí của bé. Khi bé bấm nút, bạn sẽ nhận được tín hiệu cầu cứu khẩn cấp.
5. La lên: “Cháu không biết ông ấy/bà ấy”
Người lớn cần dạy, khi bị một người lạ nắm tay kéo đi, bé phải có phản ứng lại. Lúc này cần cắn, đá, cào và cố gắng thu hút sự chú ý của những người xung quanh bằng mọi giá. Ngoài ra, bé cũng nên la lớn: “Cháu không quen biết ông ấy/bà ấy. Ông ấy/bà ấy đang muốn bắt cóc cháu”.
6. Ngừng trò chuyện và giữ khoảng cách
Giữ khoảng cách và không nên nói chuyện với người lạ là một điều quan trọng trong kỹ năng phòng chống bị dụ dỗ. Bạn nên dạy bé rằng bé không cần thiết phải nói chuyện với người lạ, khi nói chuyện, cần đứng ở chỗ đông người, cách xa từ 2 – 2,5m. Nếu người lạ tiến lại gần, hãy lùi ra sau, thậm chí có thể hét to lên nếu có cảm giác không an toàn.
7. Dạy trẻ không tiết lộ tên bé
Kỹ năng phòng chống dụ dỗ, bắt cóc trẻ em đầu tiên là đừng viết tên bé lên đồ dùng cá nhân, cũng đừng gắn tên bé lên ba lô đeo lưng hay hộp cơm. Việc này sẽ khiến cho người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của bé.
Bạn cứ thử tưởng tượng xem, nếu một người lạ đến nói chuyện mà còn biết được tên của bé thì sẽ dễ dàng lấy được lòng tin của bé. Điều này sẽ đưa bé đến những tình huống nguy hiểm.
8. Không để người lạ biết ba mẹ vắng nhà
Bố mẹ hãy dạy bé rằng nếu có người gõ cửa nhưng không nhìn thấy rõ ai ở bên ngoài, không có ai trả lời khi bé hỏi: “Ai đấy?” thì không được phép mở cửa, dù là mở hé để nhìn ra bên ngoài xem.
Ngoài ra, bạn nên dạy bé không nên cho người lạ biết là bố mẹ không ở nhà, dù người đó khẳng định họ là bạn của bố mẹ hoặc người đến sửa điện. Nếu người lạ kiên trì và cố gắng tìm cách mở cửa, bé phải gọi cho bố mẹ hoặc hàng xóm ngay.
9. Chạy khỏi các xe đang đến gần theo hướng ngược lại
Ba mẹ nên dạy bé không được lại gần xe của người lạ. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ, ba mẹ nên dạy cho bé thêm một nguyên tắc nữa. Đó là nếu một chiếc xe tiến lại gần mà người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của bé thì hãy nhanh chóng chạy theo hướng ngược lại với chiếc xe này.
Điều này sẽ giúp bé có thêm thời gian để gọi người giúp đỡ.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa