Cả tháng trời rồi không uống ngụm trà nào nên hồn. Bữa ấy hay tin mẹ mất, vội vàng xuống núi trong đêm không kịp dắt díu theo cọng trà nào cả. Mấy um trà vàng ủ dang dở cũng hỏng, A Lừ đã đổ hết về đất, không biết chúng có tủi thân. Nay bỗng đêm chuyện bạn gợi trà, lại tiện nhắc ngày này năm chưa xưa lắm. Vận động toan tính giống người hay dính với đêm, bởi nếp nhăn não trạng dường như đã chối từ ánh sáng.
Đêm mê muội nhưng khơi xúc cảm thật thà. Đêm lặng câm nhịp thở nhưng không dối trá miệng cười. Và trà, và thuốc, dẫn nhịp vào đêm. Bậc danh xưa có cụ Tản Đà tài chữ thông đời, sự thấu hiểu ngọn ngành đến tinh tế trong cái ăn cái hưởng khó ai theo được cụ, nhưng đôi khi cái tinh tế đi cùng một khí phách ngang đời ấy lại dễ dẫn về sự cầu kỳ tưởng như rời xa cái bình dị sống. Phàm cụ không động đũa khi đĩa thịt gà bạn khao thiếu cái lá chanh thơm thơm thái chỉ. Tôm cá dưới sông phải quẫy lên chậu bên bàn để cụ châm lửa châm mỡ hành tươi ngon mà gà gật. Học trò có vô tình mà quẳng đi bộ lòng cá cụ sẽ giận mà bắt trò đốt đuốc tìm lại ngay trong đêm để trọn cái ý ăn của cụ.
Nhưng cái cách cụ uống trà mai thì lại thật nhẹ nhàng mà tinh tế. Mùa hạ, cụ kiếm ổi xanh phơi cho thật nỏ rồi quẳng vô chum mẻ với lá chuối khô. Cũng mùa hạ, cụ tìm một lão mai hồng chuốt lấy thân già, cũng phơi nỏ nắng, cũng ủ chum sành. Và thu se, trong đêm se, một bếp trà châm củi từ những xác ổi khô kia sẽ lên lửa thật đượm, thật thoảng thơm mà bền, mà gọn tàn, mà vương sạch. Và trà hồng mai nhịp nhàng bên lửa tịnh đêm, cùng khơi dòng tuệ trí.
Nhắc cái thú vui ăn và hưởng sống của đất Kinh kỳ hay của văn hóa xứ Việt xưa, không thể không nhắc đến Vũ Bằng với những món ngon và Thạch Lam với những thong dong phố, nhưng có lẽ dễ để nhắc nhớ hơn cả là Nguyễn Tuân, nhà văn với những truyện ngắn tuyệt cú ghi vào ký sự ngày, và đương nhiên thật thiếu sót nếu không nhắc tới cái sự thưởng trà của các bậc tài nho xưa qua phóng bút của ông. Nhưng ráo cả là những nết trà tàu trong đời sống bị phủ trùm bởi văn hóa phương Bắc cũ, “Những cái ấm đất” rót vào “Chén trà trong sương sớm” bằng sự am tường, tinh tế đến cầu kỳ mà như là vô hình quy chuẩn của người uống xoay quanh ngụm trà.
Ấm thế đức gan gà, trà Vũ Di Sơn, nước giếng khơi nơi núi cao chùa tĩnh, đến cả một lão ăn mày cũng được nâng tầm thưởng trà trong một am tường đầy khí khái. “Họ lịch sự như tiên, phú quý như giời. Quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu. Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất. Gọi hề đồng pha nước trước hiên mai”. Để rồi ngẫm như lời cụ chùa đồi mai ấy, “Phật dạy rằng hễ muốn là khổ, một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ này sẽ còn khổ đến bực nào”, những cầu kỳ bám thân trở thành si thành chấp thành sân mà mang cùng đời sống. Tưởng như pha một chén trà dung dị thật dễ mà cũng thật khó biết nhường nào.
Trà, trong đêm, nghĩ cạn, nhẽ chỉ nên là thứ dẫn nhập vào chuyện ngày, chuyện người, chuyện đời. Một dẫn nhập tự nhiên không khuôn mẫu không mong cầu. Ví như Quách Tấn tiễn Yến Lan bằng chén trà động hoàng hôn. “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn. Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn. Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển. Gác chuông thành cổ động hoàng hôn”. Để rồi hương trà ấy cứ theo bạn mãi và người bạn cũng mượn trà qua thơ mà luyến lưu lại, một thứ trà dẫn nhập những giản dị bên đời buồn vui.
Ngược lại dòng xưa có cụ trạng tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tài danh hiếm cõi mà sống một đời bình dị, bình dị mà tinh tế. “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”… Chỉ nhìn cách cụ lựa theo bốn mùa trời đất mà sống mà vui mà hưởng cũng đủ trầm ngâm mà thán phục rồi. Cụ cũng thỏa trà trong đêm giản đơn đầy thi vị, “Khát uống trà mai hương dịu dịu/ Giấc nằm hiên nguyệt gió hiêu hiêu”.
Sống đời bao la, tục hay thoát, chén trà chứa mênh mang, hay chén rỗng, tùy thuộc vào sự dung hòa giữa chủ và khách thể. Cứ uống trà, giản như một thức trôi vào bên trong con người. Nơi nào có thể khác, nhưng phương Đông thật khó để thiếu trà, như ngày mới cần chạm ánh bình minh. Vậy nên, thời nào cũng không khác. Mỗi ngày mới, ta và người với một chén trà ở bên là điều giản, không mong cầu gì hơn cả.
Thời nay, thời của lớp mỏng lớp dày những người vui ngoại thân nhiều hơn đi vào nội tại, những thú vui và hưởng sống tưởng như cầu kỳ mà cũng vô cực dễ dãi. Và trà, đôi khi là đi cùng đạo, đạo gì thì những người dày mỏng không tỏ tường, đôi khi là những màu mè chắp vá hay những vọng tưởng về một đời sống thỏa đáng cá nhân có tầng bậc. Để rồi trà thành một thứ xa dần nhịp ngày bình dị. Với trà cứ là giản đơn như một tự nhiên dẫn nhập. Bên ngày, bên bạn, bên manh chiếu, bên bàn nhỏ, uống một chén trà nhỏ, thế mà buồn vui.
Trà sen, phong cách tao nhã của người Hà Nội cũ
Nhắm mắt chiêu một hớp nhỏ, hương sen lan tỏa khắp miệng, ngào ngạt như đang tĩnh tâm trước một đầm sen. Tinh thần tỉnh táo và sảng khoái đến vô cùng.