Theo dấu trà - Tà Xùa (Kỳ 1)

Trên vùng núi cao mây phủ-sương mờ, nơi phân chia trời-đất, có những cây trà chứng kiến bao kiếp người tộc Mông, nơi ấy có tên gọi Tà Xùa.

Không như những cây trà cổ thụ nơi khác, dường như đang trải qua cuộc sống “cơ hàn”, hằn lên thân cây già nua, nỗi cực nhọc đã tạo nên những “nếp nhăn”, những vết “chai sạn”, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bò sát mặt đất mong kiếm chút hơi sương để quên đi cơn khát nơi gốc cây cằn cỗi.

Tất cả nỗi khổ cực đó, cũng như con người qua năm tháng cơ hàn chỉ còn lại sự cay nghiệt, nhìn mọi sự với con mắt chua chát và muộn phiền. Cây trà trả lại cuộc đời sự đắng gắt, tất nhiên cái cốt cách của nó vẫn không thay đổi vẫn mang lại cho ta cái dư vị ngọt ngào, như cuộc sống của chính nó, quả là “khổ tận, cam lai”.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Những cây trà sống cùng người Mông ở độ cao chừng trên dưới 1.600m. Cả xã Tà Xùa có tám bản, nhưng chỉ năm bản có trà, trong năm bản đó lại chỉ hai bản có cây cổ thụ hoang dã, mà tập trung chủ yếu ở bản Bệ với khoảng 400 đến 500 cây do 20 hộ dân khai thác. Những bản còn lại, gồm Mống Vàng, Chung Chinh, Tà Xùa A và Tà Xùa C có trà thì Mống Vàng có chưa đầy 50 cây trà cổ, còn lại là những cây trà trồng năm 1968 lấy giống từ Suối Giàng, nên được người dân gọi là “chè 68”. Một số ít là vườn được gieo hạt từ cây trà cổ cũng chỉ chừng được vài chục năm tuổi.

Cả bản Tà Xùa C trồng trà giâm hom khoảng năm 1990, gọi là “chè bầu”. Bản Tà Xùa A có tỷ lệ trà giâm hom và trà 68 ngang nhau, bản Chung Chinh xưa kia có trà cổ thụ nhưng trước năm 1968 người dân theo hướng dẫn của ban canh nông, “chặt xuống cho dễ hái” nên toàn bộ cây cổ thụ đã chết. Đến năm 1968 trà được trồng lại trong toàn bản Chung Chinh, thế nên chè 68 chiếm phần nhiều ở đây.

Tiêu chuẩn khi hái chè là những búp có màu xanh mướt, không quá non hoặc quá già (Ảnh: internet).
Tiêu chuẩn khi hái chè là những búp có màu xanh mướt, không quá non hoặc quá già (Ảnh: internet).

Người Tà Xùa nhiều trà, song họ không thường uống trà, họ dường như không bao giờ uống trà tươi như người Kinh, người Thái. Nhưng có một điều đặc biệt, trong lễ cúng “con ma nhà” người Mông ở Tà Xùa cúng bằng ba chén trà thay vì cúng bằng rượu như những nơi khác trong khi thức uống chính của họ lại là rượu chứ chẳng phải là trà. Khi được hỏi vì sao, họ trả lời: “con ma nhà không lấy rượu đâu, chỉ lấy trà thôi”.

Từ sau cách mạng, người Tà Xùa mới biết sao trà cho khô bằng chảo gang, rồi bằng lồng quay như hiện nay, chủ yếu vẫn quay bằng tay chứ chưa có động cơ làm thay, một số hộ gia đình gần trung tâm xã thì có điện nên lác đác dùng động cơ thay sức người. Xưa kia, trà như bao thứ đồ ăn thức uống khác, người Mông-Tà Xùa thường bó thành bó rồi bỏ lên gác bếp. Trà như vậy họ cũng chẳng đặt tên, cũng như thịt bỏ trên gác bếp sau này người Kinh đặt tên “Thịt hun khói”. Gác bếp là cái kho lương thực, đồ ăn thức uống được bảo quản trên đấy hết cả.

Lồng sao trà của người Mông - Tà Xùa (Ảnh: internet).
Lồng sao trà của người Mông - Tà Xùa (Ảnh: internet).

Cho đến bây giờ, người Mông - Tà Xùa làm trà hẵng còn vụng lắm, phương pháp làm tương tự như Thái Nguyên cũng gồm các bước làm héo - vò - sao khô, trà khô là xong. Người Thái Nguyên còn có công đoạn sao giòn và đánh hương nữa. Ngay việc hái trà cũng chẳng lấy làm tinh, cứ còn hái được bằng móng tay là hái, đặc biệt trong bản Bệ từ năm 2013 trở về trước.

Tôi lên Tà Xùa từ 2011, đến 2013 bắt đầu làm trà trong bản Bệ, lúc đó bà con bản Bệ chẳng hứng thú với búp trà, có việc lên nương là bỏ hết, cũng vì trà không mang lại cho họ thu nhập như làm nương. Trà dù quý xong không biết làm, nên sao được cân nào thì đen thùi lụi hết cả. Nhìn cánh trà loang lổ, chỗ như lục chỗ lại như hồng, thế nên thương lái chẳng mặn mà, họ bán cao lắm được tám mươi nghìn đồng một cân trà khô.

Từ khi tôi vào làm, hướng dẫn cho bà con hái trà cho đúng. Trải qua nhiều gian nan vì họ khó tiếp thu cái mới dù rất thô sơ. Mỗi việc hái trà mà hướng dẫn sáng thì chiều quên, từ đầu mùa đến cuối mùa hái ổn thì mùa sau lại quay về như cũ. Nhưng dù sao thì họ cũng đã bán được trà tươi với giá còn cao hơn trà khô họ làm ra nữa. Thế nên, bây giờ người bản Bệ cũng quan tâm tới việc hái trà, họ đã biết búp trà lên thế nào thì đi hái, và việc đó đã mang lại thu nhập cho họ. Tôi cũng chưa thử so sánh với việc làm nương xong lẽ thường thì việc gì nhàn hơn mà thu nhập cao hơn họ sẽ làm việc đó.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Thấy trà bản Bệ làm được cánh to, hương vị đều hơn hẳn bình thường, đặc biệt là hậu vị, thế nên nhiều thương lái vào thu mua trà tươi về, rồi thuê người bản ngoài sao cho họ. Hiềm một nỗi, họ chỉ quan tâm mua được bao nhiêu cân búp chứ chẳng quan tâm hái thế nào cho búp tốt, hái ra sao để không phương hại đến cây, thành thử chất lượng búp trà cuối năm 2014 và đầu năm 2015 giảm hẳn do cây bị suy kiệt, búp gầy bé dần, hương vị đắng gắt dần lên.

Giữa năm 2014 thấy tình trạng chẳng hay, tôi cố ý đưa bà con Tà Xùa sang tận Suối Giàng, nơi có những cây trà quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, mong họ thấy ra tương lai cho những cây trà quý giá của họ, nếu không dừng ngay cách tận thu như thương lái hướng dẫn “cứ hái ra đây, mua hết”, xong cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng rồi đâu lại vào đấy.

Người Mông – Tà Xùa làm trà cũng nhiều chứ chẳng ít, xong trăm người trăm kiểu không thể tổ hợp thành phương pháp phù hợp với cây trà bản địa. Cả bản có được bà Mo là trường hợp hi hữu làm trà ngon thì nay đã quy tiên, mà bản thân bà cụ cũng chẳng hiểu vì sao nó ngon, bà chết cũng là hết. Tôi cho bà Mo là một phép thử của tự nhiên.

Tôi vẫn hy vọng có thể làm được điều gì đó nhiều hơn việc tạo thu nhập từ cây trà cho bà con. Nhưng tôi lại cũng không khỏi lo sợ như bản Bệ, làm được một việc tích cực thì cũng kéo theo trăm sự tiêu cực cũng nên!

Việt Bắc

Rẽ mây thưởng trà miền biên ải…

Rẽ mây thưởng trà miền biên ải…

Giữa tiết trời se lạnh, được thưởng thức chén trà cổ thụ nồng ấm, tôi như có cảm giác đang được uống cả những giọt sương mai trên đỉnh núi.