Tôi từng lang thang ở vài nước Đông Á, vài nước Tây Âu, không quên mang theo ấm chén, bình thủy giữ nhiệt và đôi ba phẩm trà. Không phải do tôi quá mức nghiện hương vị ấy, mỗi ngày không có đôi ba chén thì cảm thấy thiếu vắng, ngẫm kỹ, là do tôi muốn có trải nghiệm mới mà thôi. Thưởng trà trong nhã thất có cái thú u nhàn thanh lặng. Song sắp ấm đặt chén, pha rót trước núi sông, kề suối đá, cảm xúc khác biệt vô cùng. Nhất là ngồi bên cầu Độ Nguyệt (Togetsu-kyo) đượm buồn lá đỏ, sát bờ sông Seine lững thững nước trôi, hay trên đỉnh Alpes bốn bề tuyết trắng v.v.. cảm giác hân hoan, sảng khoái, đã đời biết dường nào. Ở mỗi thời cảnh ấy, những câu thơ của Nguyễn Trãi, Chu Thần lại bất giác hiện về trong tôi. Tôi cho đó là sự kết nối tinh thần, nơi không có cách biệt về thời không.
Nếu kiên nhẫn đọc đến những dòng này, bạn đọc hẳn cảm nhận được phần nào tình cảm đặc biệt tôi dành cho Cao Bá Quát. Khi viết về ông, tôi bất giác cảm thông đồng điệu. Tôi thương con người luôn muốn sống cho mình ấy, luôn khao khát tự do, truy cầu những mới mẻ, sẵn sàng gạt đi những lề thói hủ lậu, bất chấp trả giá. Mạnh mẽ, hào sảng, song vẫn rất tình cảm, nhân văn. Con người ấy, tính cách ấy hiện diện ở thời đại ấy, thoạt tưởng sinh lầm thế kỷ, ngẫm kỹ lại chẳng phải lầm. Mọi sự tồn tại đều hợp lý. Tiêu vong cũng hợp lý. Câu chuyện về cuộc đời Cao Bá Quát cùng tinh thần ông sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau, để rồi mỗi thế hệ lại cố gắng gây dựng xã hội cởi mở, nhân văn, tôn trọng con người hơn. Đó cũng là một sự tiếp nối tinh thần.
Ảnh minh họa: internet. |
Tôi ngoài một hội bạn trà, còn có một toán bạn rượu. Viết xong mấy lời so găng giữa trà và rượu gửi cho cả hai hội bạn đọc, bạn rượu có vẻ lấy làm ấm ức, bởi sự thiên vị của tôi dành cho trà. Kỳ tình, trà có lợi cho sức khỏe, còn rượu thì không. Song không bởi vậy mà có thể “dìm” rượu. Cuộc sống có lúc này lúc khác, lúc thanh đạm thưởng trà, lúc hồ hởi nhắp rượu. Mỗi thú phù hợp với mỗi cảnh, đều có ý vị riêng.
Tuy nhiên, người xưa có câu: “Mỹ tửu ẩm ư vi túy hậu, hảo hoa ưng khán bán khai thời” (Rượu ngon uống tới khi ngà mặt, hoa đẹp xem vào lúc chớm bông). Uống trà có thể nhiều, song rượu không nên lạm. Không cần tán thưởng, cổ súy thì trước nay rượu vẫn luôn phổ biến hơn trà, được ưa chuộng ở khắp mọi nơi, mọi thời đại. Bởi vậy thiên vị trà một chút cũng có sao. Thưởng trà và rượu cân bằng được như cụ Đốc trong Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân thì tốt: “Canh khuya dăm chén rượu. Mai sớm một tuần trà. Mỗi ngày mỗi được thế. Thầy thuốc xa nhà ta”. Song, mọi việc thường phải kinh qua hai ngả cực đoan, mới tìm được điểm cân bằng. Tây hay ta cũng vậy, balance cũng vừa mang nghĩa cái cân, vừa mang nghĩa cân bằng đó thôi.
Chuyện trà hẳn không chỉ là câu chuyện kể về trà, tôi hy vọng còn là sự gợi mở muôn vàn kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa nét đẹp truyền thống với nhịp sống tân thời, giữa thú vui tinh thần với gánh lo sinh kế, giữa những người yêu trà và thích luận bàn Thiền trà một vị... Này bạn, hãy ngồi xuống đây, bên bàn trà này cùng tôi!
Khi bạn đọc đến đây, chắc hẳn cũng đang rất ung dung nhàn lặng. Bạn vẫn có thể ung dung, nhàn lặng hơn nữa. Cùng tôi nhẹ nhàng xua đi những suy nghĩ chật hẹp, để trải lòng mình rộng lớn hơn, rộng lớn hơn nữa. Những dao động trong lòng ta cũng đang dần chậm lại, nhịp nhàng hơn, để tiến tới cân bằng. Lúc này, mọi thứ hiện diện quanh ta đều đang được kết nối, như chính tôi và bạn vậy. Cảm giác yên bình này thật tuyệt phải không? Giờ hãy cùng tôi nhắp một chén trà đang tỏa hương thơm ngát, cùng chào đón những điều trong trẻo, đẹp đẽ đang diễn ra tự giây phút này!
(Trích Chuyện trà - Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, Chương Muôn vàn kết nối).
“Chuyện trà” mà không chỉ là chuyện trà với Trần Quang Đức
Chuyện trà, theo như chính tác giả Trần Quang Đức, là kể về trà “một cách tự nhiên”, “không nâng cao quan điểm của bất cứ việc gì”.