Chồng tôi bảo, có hai thứ mà khi đi xa về luôn quan trọng nhất với anh. Một là ấm trà đầu tiên. Hai là bữa cơm nhà đầu tiên.
Từ trước lúc lấy chồng, tôi vẫn là đứa vụng về theo đúng nghĩa đen. Nghĩa là bừa bộn, luộm thuộm, đụng đâu hỏng đấy, dọn đâu vỡ đấy, nấu cơm thì ngày nát ngày khô, mặc dù thao tác đơn giản chỉ là cho gạo vào nồi và đổ nước (mẹ dạy là lượng nước bằng 1 đốt ngón tay, tính từ đáy nồi lên hay từ phần gạo lên thì không biết). Chân tay thì lóng nga lóng ngóng (thế mà không hiểu sao lấy được chồng). Món ăn biết nấu thì đếm không đủ một bàn tay, thường mạnh về các món luộc như trứng luộc, rau luộc, thịt luộc. Sau, lấy chồng cũng không thay đổi gì mấy. Những ngày đầu tiên, mỗi khi nhà đổi gạo thì chồng xác định luôn sẽ phải ăn món ghét nhất trong đời là cơm-nát. Thay gạo mới, bằng một cách kỳ diệu nào đó, vẫn không biết đong nước làm sao cho vào nồi để cơm vừa mà không bị nát rồi kết lại như bánh.
Ảnh minh họa: internet. |
Chồng chịu đựng hẳn một năm, thì đến một ngày chỉ mặt và bảo: “Từ nay ăn loại gạo này thôi nhé, cấm có thay đổi!”. Thế là tự dưng, như một phép màu thần kì nào đấy, cơm không còn bị nát qua rất nhiều ngày luyện tập mà đổi thành cơm khô...Chồng bảo: “Thôi còn hơn nát”. Nấu các món mặn thì thê thảm hơn nhiều. Tôi từng được chồng cho ghi danh vào lịch sử nấu ăn gia đình với món thịt rang ngũ sắc (đen, trắng, nâu, vàng, xanh), gà cách thủy (cho gà vào cái nồi nhôm nhỏ ở bên trong một chiếc nồi nhôm lớn rồi đổ nước đầy nồi to, đun sôi)...
Nói chung, mỗi khi ai hỏi chồng có chiều vợ - một đứa con gái cách chồng tận 8 tuổi hay không? Tôi hay trả lời: “Anh ấy chịu đựng là chính!”. Sau rất nhiều ngày “em chịu khó, anh chịu khổ”, cuối cùng thì nhiều món tủ…hình thành, đủ năm món để “đãi” lúc chồng trở về nhà sau nhiều chuyến đi xa. Chuyển quán, chuyển nhà, sửa quán, sửa nhà, đi ăn lang hàng quán suốt. Bỗng một hôm được ăn ké cơm nhà anh bạn, mới hiểu ra cơm nhà thật chẳng cần cầu kì. Chỉ cần quanh mâm có đủ mọi người là vui rồi.
Cơm trắng nóng hổi, rau luộc chấm mắm dầm trứng, thịt băm cùng canh chua là ăn đủ hai bát ngon lành. Mà lúc đấy cảm thấy mọi sơn hào hải vị, món ngon trên đời cũng chẳng bằng bát canh rau muống nấu chua. Tôm hùm vi cá cũng chẳng bằng bát thịt bằm với nấm hương. Quan trọng là cơm canh rượu thịt, bên cạnh có người vừa ăn vừa cười nói, kể chuyện cho nhau nghe toàn thứ vặt vãnh trong ngày. Đôi khi còn cằn nhằn vì làm việc thừa thãi. Thấy hạnh phúc cũng đâu có xa xôi mấy, chỉ bằng bát cơm nhà!
Ăn xong, mọi người lại rủ nhau “uống trà”, quây lại bên chiếc bàn gỗ đứng tuổi cùng bốn năm chiếc ghế chân chó, pha ấm trà mạn đặc xít, đám trẻ con không uống cùng nhưng cũng quen với nhịp sống nên rời điện thoại, tranh thủ kể lể chuyện trong ngày cho cha mẹ. Trà lúc ấy, là bạn, là chiếc cầu nối để “ngồi lại cùng nhau”.
Chiếc bàn trà chân chó “ngồi ké” nhà anh bạn
Năm tháng trôi đi, độ khéo léo cũng tăng lên nhờ luyện tập nhiều. Sau 6 năm lấy chồng, cũng bắt đầu có tinh thần “tình thân” hơn…ngon miệng, những ngày nghỉ vì giãn cách, gia đình lại có thêm giờ… trà chiều. Sinh hoạt đảo lộn, thay vì dậy từ sáu bảy giờ để chuẩn bị bữa sáng rồi hò la nhau nhanh nhanh chóng chóng cho kịp giờ mở hàng buổi sáng hay đưa tụi nhỏ đến trường, giấc xuân hay bừng tỉnh vào lúc chín mười giờ, vừa vặn giờ ăn trưa. Các cụ vẫn bảo “của ngon ai để chợ trưa” nhưng do tinh thần quyết chiến quyết thắng, giãn cách có thức ăn là tốt rồi chứ tính gì đến đồ ngon, vẫn là hàng siêu thị cả nên ề à.
Bữa trưa ăn xong, tụi trẻ hò reo chạy nhảy quanh nhà, thi thoảng xong xuôi lại cùng nhau xem một bộ phim, lúc cùng nhau ngủ “trưa” dậy thì cũng là bốn năm giờ, kịp cho giờ… trà chiều. Gọi là giờ trà chiều, nhưng cũng theo sở thích mỗi người mà pha theo. Ai thích uống sữa thì cho thêm sữa, ai thích cà phê hay cacao thì làm ấm riêng. Còn ai thích trà, thì lựa xem hôm ấy trời nóng đến đâu thì uống trà đấy. Hồng trà rừng thơm ngọt mùi mật và hương hoa, người già, người lớn, trẻ em ai cũng thích. Bạch Hạc ngầy ngậy beo béo, hương cốm non, chát mạnh rồi ngọt ngay sau đó sẽ phù hợp cho những ngày nóng hay mệt quá cần tỉnh táo ngay.
Ảnh minh họa: internet. |
Rồi trà Shan Tà Xùa thì lại hợp cho những anh trai đầu hồi phải trực khu giãn cách, nhà cứ thuận tay pha vào một bình lớn rồi mang ra mời, thêm ít đá, vị đậm dai, chát vừa phải. Trà hôm ấy, dùng trong gia đình nhiều người nên vẫn cần tiện lợi, pha vào ấm lớn chừng một lít, rót ra tách trà kiểu Anh, ăn kèm với bánh quy hay đồ ngọt mà mình thích, hết ấm trà thì cũng là lúc hết giờ chiều, mỗi người lại một việc.
Trà bánh trong giờ chiều
90 ngày giãn cách, việc nhà nhiều lên, giống như bao bà mẹ khác, hết con lại đến chồng, hết nấu cơm rồi lại rửa bát, hết dọn dẹp rồi kêu la, đôi lúc sự vụng về hiển hiện rõ trên khuôn mặt mà chồng phải bảo “nếu mệt quá thì đừng làm nữa”. Những lúc ấy, thời gian cho bản thân ít đi, đôi lúc chỉ là một chốc một lát, đêm muộn, pha vội ấm trà rồi độc ẩm. Trà này chính là chốn nương náu của tôi, khiến tôi có thể yên ổn trú lại, tĩnh tại trông giữ năm tháng. Lúc ấy, thay vì pha vào ấm lớn cho cả nhà uống, lại thích bày biện thêm thắt. Một ấm tử sa, một chén tống sứ thanh hoa men lam vẽ chú chim nho nhỏ, một chiếc chén bạch ngọc làm nổi bật màu nước Bạch trà. Chầm chậm rót nước sôi vào tống, chờ khói bốc lên, nước hạ nhiệt độ, rót lại từ tống sang ấm trà đã sẵn sàng tỏa hương. Các thao tác cứ lần lượt qua từng tuần trà, trà một bên, người một bên. Mỗi lần độc ẩm, tôi đều nhớ đến câu của Chu Tác Nhân: “Uống trà nên uống dưới cửa sổ dán giấy của nhà mái ngói, suối trong trà biếc, dùng trà cụ bằng gốm sứ thanh nhã, có được cái thú nhàn nửa ngày, có thể so với giấc mộng trần mười năm”.
Bộ trà độc ẩm
Trà bên tôi như thế, giống như bữa cơm nấu cho chồng hàng ngày hay khi anh từ xa trở về, giống như người bạn lâu năm trầm tĩnh chiều chuộng mọi cảm xúc vui, buồn hay giận dữ, lại càng là người để dựa dẫm qua tháng năm soi chiếu bóng hình mình chẳng già đi. Lấy một câu của Bạch Lạc Mai làm kết, cũng là thứ mà tôi muốn dành trọn thời gian ở bên: “Đốt hương, nghe nhạc, ngắm mưa, thưởng trà, ngắm hoa, thời gian lười biếng mà nhàn rỗi như thế, lại trở thành một phương thức sống mà đời này tôi không muốn thay đổi”.
Cảm ơn đời, mỗi sớm mai…
Cuộc sống thực tế không có quá nhiều phép màu, nhưng chúng ta có quyền tự tạo ra những phép màu rực rỡ nhất...