Hà Nội chớm đông: Mùa của những hồi ức

Tôi không biết nơi khác có thế không, nhưng ở Hà Nội những ngày chớm đông thì vô tư mấy cũng cứ miệt mài mà nhớ.

Tôi không biết nơi khác có thế không, nhưng ở Hà Nội những ngày chớm đông thì vô tư mấy cũng cứ miệt mài mà nhớ.

Không theo thứ tự những thứ cần nhớ, chỉ là ngẫu nhiên đến trong đầu. Nếu không vì Covid, mùa này là mùa họp lớp, họp trường, thế là đương nhiên nhớ bạn nhớ thày. Một mùa để dự hội trường không ngừng nghỉ. Học trò cũ tuổi còn hơn tuổi trường nhắc nhau nữ sinh về dự hội trường nhớ mặc áo dài trắng. Nhưng ngày xưa, có áo dài trắng để mặc đâu? Thì kệ, đã về trường cũ nhớ thời học trò thì cứ áo dài trắng, cho giống… học trò. Năm vừa rồi vào lúc chớm đông, ở nhiều trường, những cựu nữ sinh về hưu dăm mười năm rồi cũng áo dài trắng ôm cúc họa mi đứng chụp ảnh khắp mọi góc, mọi ngả đường quanh trường. Nhí nha nhí nhảnh. Tuổi ông tuổi bà mày tao chí tớ loạn cả lên. Nghĩ cũng vui!

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Rộ lên lễ trường như cái mốt, nhưng cũng có điều đáng quý. Ai cũng nói đời người ngắn lắm, gặp nhau hôm nay thì vui hôm nay, chẳng biết 5, 10 năm nữa, lại năm chẵn hội trường, sẽ bớt những mống nào. Trong cái hồi ức mang tính phong trào kiểu này, điều quan trọng nhất là tình cảm bạn bè, thày cô, trường lớp được hâm nóng. Gì thì gì, cứ liên quan tình cảm mà được làm cho mới lại, thì dù có bị nói là hình thức, vớ vẩn hay gì đi nữa, vẫn cứ là hồi ức đẹp.

Rồi vì thời tiết, mưa nhiều, trời lạnh dần, những bữa cơm nhà được quan tâm hơn. Cũng lại là việc đương nhiên tình cảm gia đình nếu có nguội sẽ được hâm nóng lại. Những món ăn gợi nhớ, kiểu như bát canh dưa chiều đông, hay đĩa niễng xào rươi vì mùa rươi cũng đã bắt đầu, hay miếng cá khô rim mắm mặn ngày chủ nhật mưa không đi chợ…, những món ăn theo mùa khiến một số trang ẩm thực trên mạng xã hội đầy ắp lên rất nhiều nhung nhớ. Cũng là điều hay chẳng kém so với nỗi “bạn có nhớ trường nhớ lớp nhớ tên tôi?”. Người Hà Nội mùa này thường tỏ ra nhạy cảm đặc biệt với thời tiết, từ xưa đến giờ vẫn thế. Mà cũng bận rộn hơn với quá nhiều nỗi nhớ của mình.

Tụ họp, ăn uống, lại còn cả cắm hoa nữa. Những gánh hàng hoa góc phố dường như lớn gấp đôi mùa khác về số lượng. Cúc họa mi, lâu nay được coi như chỉ dấu mùa đông, hễ cứ bắt đầu lạnh là tràn ngập. Nhưng riêng với cúc họa mi, nhiều quá đâm nhàm. Mấy năm gần đây việc cắm cúc họa mi đã thành mốt. Mưa nhiều như mấy ngày vừa rồi, nhìn những cánh hoa trắng muốt mỏng manh mà bị nhồi nhét đến bầm dập trên một xe hoa, thấy thương lắm cả hoa, cả người bán, người trồng… Giá đừng thành mốt, chắc cúc họa mi chẳng phải chịu khổ tâm như thế. Ngày nào đó, cũng có thể cúc họa mi thành hồi ức, như một số loài hoa (rồi cũng sẽ có lúc hồi ức lại được đào bới để tìm lại) như những thược dược với violette. Có cảm giác năm nay, người ta đã bớt nồng nhiệt với loài hoa này. Chỉ là cảm giác thôi, khi chiều mưa đi qua góc đường đầy những hàng hoa, trắng muốt cả một đoạn đường “họa mi khóc trong mưa” như trong lời một bài hát. Có điều họa mi ở đây là hoa, không phải chim.

Đấy cũng là khi không Covid!

Và rồi, chẳng phải là hồi ức, vì năm nào cũng diễn ra cảnh lát lại vỉa hè. Nhưng cái khung cảnh quen thuộc trên phố, những vỉa hè bị bóc ra, những đống cát và gạch ngổn ngang rốt cục cũng làm thành cái gì đó giống như hoài niệm. Tất nhiên chẳng vui gì. Nhưng mà thường khi hay nhớ, thì cái nỗi chưa vui cũng nhớ. Một khung cảnh ngổn ngang khi mà chiều sẫm lại rất nhanh, khiến người ta thấy như mình đang dở dang hay thiếu thốn thứ gì. Người ta hối hả hơn khi trở về nhà. Việc này cũng sẽ rất đến điều đương nhiên là đường dễ tắc hơn những mùa khác, hình như thế. Cứ việc miệt mài mà nhớ mỗi khi tắc đường, bởi không thế đã không phải là Hà Nội.

Mùa của những điều khó chịu cũng trở thành dễ thương, có thể ai đó cau mày khi nghe nói vậy. Nhưng nếu bình tĩnh sống trong mùa của những miên man hồi ức, sẽ nhận ra Hà Nội vẫn còn đủ nên thơ bất kể tắc đường hay lát vỉa hè, bất kể những ám ảnh dịch bệnh chưa hề nguôi ngoai.

Minh Vũ

Dòng sông qua thành phố

Dòng sông qua thành phố

Giữa ầm ầm máy rung của con tàu, tôi nhận ra những gì để cho ta thêm một cái nhìn về thành phố hay dòng sông mãi vẫn là chưa đủ.