Một mai qua cơn mê…

Không thể để mắc kẹt trong những cơn sợ hãi dịch bệnh để quên đi một điều: chúng ta đủ mạnh mẽ để vượt qua!

Kiểu người đáng thương nhất trong đời là người luôn than vãn với bất cứ điều gì không vừa ý. Chơi với người mắc “bệnh” than cũng là cách thử thách sự kiên nhẫn và chịu đựng của bạn, và tôi cá rằng rất khó để bền lâu. Than là “căn bệnh” nguy hiểm và nan y, nó truyền nhiễm và hủy hoại mọi người, mọi vật ở không - thời gian mà nó chạm vào, bởi năng lượng tiêu cực và buồn bã ấy sẽ làm cạn sinh lực, kiệt niềm vui và khô cả tình yêu trong cuộc sống mà bạn có thể đã phải dày công nuôi dưỡng.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Buồn cười là chả ai than về niềm vui, về sự sung sướng, về những gì họ nhận được. Nhưng bất kỳ sở thích hay ý muốn nào chưa được thỏa mãn, họ thường sẽ tìm cách đổ lỗi và than phiền. Với “bệnh than” thì dù bạn có giàu nhất thì bạn cũng sẽ than phiền tại sao bạn lại chưa giàu như Jeff Bezos. Dù bạn có hát hay như Celine Dion thì bạn cũng sẽ khổ não tại sao bạn không đẹp như Aishwarya Rai... Bạn luôn thấy cuộc đời u ám và chống lại bạn. Ai cũng biết, than vãn chỉ làm mình trở nên kém cỏi đi, nó không hề làm mọi khó khăn trong đời bạn biến mất mà chỉ triệt tiêu mọi năng lượng vui sống của bạn. Khi bạn đổ lỗi cho cả thế giới và chán chường cả chính mình thì chẳng có thế lực nào, dù là siêu nhiên, có thể nâng bạn đặt vào chiếc ghế của thành công.

Nếu khó khăn, thậm chí bi kịch, là rác thải thì sao bạn không biến nó thành phân bón cho cây đời xanh tốt. Nó là công việc chúng ta phải làm một mình, không ai ở đây có thể giúp chúng ta đổi thay và biến hóa. Nếu bạn kiên nhẫn với việc biến rác thành phân bón hữu cơ, tôi tin chắc một ngày cây đời bạn sẽ trổ hoa thơm và kết trái ngọt. Chỉ cần bạn ngưng than vãn là bạn sẽ cảm nhận được hương vị đẹp đẽ của cuộc sống mà thôi.

Đó là tất cả ý nghĩ của tôi trong mùa Covid này. Cho đến giờ, dường như không có loại vũ khí nào của loài người mạnh bằng Covid. Nó khiến những chỉ số chứng khoán đang thăng hoa, những con số tăng trưởng thần kỳ của các nền kinh tế năng động nhất thế giới, những hân hoan tận hưởng tiện nghi và lạc thú của loài người, những cuộc chiến khốc liệt nhất hành tinh, những toan tính lợi ích quốc gia từ cuộc thương chiến cân não của các nguyên thủ… tất cả đều lặng dừng đột ngột và bổ nhào y như con diều đang no gió bỗng… đứt dây.

Thế nhưng hãy nghĩ, giữa bối cảnh tối tăm của thế giới, thì Việt Nam chúng ta, ngoài những thành tựu không thể chối cãi trong việc phòng chống dịch, về kinh tế (mặc dù cũng lao đao xây xẩm), vẫn là một điểm sáng hiếm hoi của thế giới thời Covid, như World Bank nhận định: “Việt Nam là một trong số ít quốc gia dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020”, với dự kiến GDP tăng trưởng dương vài phần trăm trong năm 2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế thế giới cũng vẫn đang lo lắng mà rằng “Mong các ngài cẩn thận, không thì ngài sẽ mắc kẹt với chỉ số tăng trưởng thấp trong “cái bẫy kinh tế” Covid-19 đấy” - Có nghĩa là kinh tế Việt Nam có thể mắc kẹt với việc lai rai, lay lắt nhưng khả năng phục hồi và phát triển là mong manh trong thời gian dài vì thiếu cả động lực lẫn nguồn lực.

Nếu bị ám ảnh nỗi sợ hãi quá lâu thì “mắc kẹt” là hiện hữu. Khi gặp tình huống ngặt nghèo sinh mạng cần lựa chọn thì người Việt đồng lòng bảo “Còn người thì còn của. Người làm ra của chứ của không làm ra người”. Người Việt vốn chất phác và nhanh quên, kiên cường mà chịu thương chịu khó nên những đặc tính này của cộng đồng lại là xúc tác chính cho những bước ngoặt mà thế giới khó ngờ tới của Việt Nam, còn ngoặt về hướng nào thì lại thuộc về lý trí lựa chọn của chính người Việt.

Và hãy tin, Việt Nam là dân tộc có sức sống mãnh liệt, không vì những khoảnh khắc tuyệt vọng mà đánh mất đi tính nhẫn nại và kiên cường. Không thể để mắc kẹt trong những cơn sợ hãi dịch bệnh để quên đi một điều: chúng ta đủ mạnh mẽ để vượt qua!

Samson Phạm

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Tất cả mọi thứ trên thế gian này liệu có gì khiêm nhường hơn đất. Vậy sao ta không học Đất để làm Người ?

Đọc nhiều nhất