Cuộc sống thực tế không có quá nhiều phép màu, nhưng chúng ta có quyền tự tạo ra những phép màu rực rỡ nhất, đến từ lòng yêu thương chân thành, từ tình yêu và niềm tin, từ sự sẻ chia và lòng biết ơn…
Một chị bạn tôi vừa ly hôn, khi được hỏi về lý do, chị cười nhẹ bảo không có lý do gì cụ thể, chỉ là thấy mệt quá, cứ một mình mình cố gắng, một mình làm tốt mọi việc mà chẳng được ai ghi nhận, dần dần mệt quá, thì phải buông. Chồng chị, không rõ là vô tình hay cố ý, gần như chưa bao giờ thể hiện một niềm thương cảm với vợ, anh nghiễm nhiên hưởng thụ mọi sự cố gắng của vợ, như một sự tất yếu. Thế rồi chị dần rơi vào trạng thái vô cảm, tuyệt vọng, và chia tay…
Câu chuyện của chị bạn tôi trên đây có vẻ như không hiếm người gặp phải, thậm chí ở cả hai giới. Cứ một người cố gắng, một người hưởng thụ, như một cuộc chạy đuổi, không bao giờ kết thúc.
Chị bạn tôi bảo: “Mình cũng không cần gì nhiều, đôi khi chỉ cần một lời cảm ơn thôi, là cũng đủ vui và tiếp thêm sức mạnh lắm rồi, nhưng dường như chồng mình quên mất điều đó, nghĩ rằng việc vợ mình làm tốt mọi việc: Đi làm ở công ty, việc gia đình, nuôi con… tất cả đều là đương nhiên. Và anh ấy không hiểu rằng mỗi con người đều cần có một lý do để cố gắng nếu không muốn biến mình thành cái máy, dù đôi khi ít nhất chỉ là một sự đồng cảm, rung động nho nhỏ từ người bạn đời”.
Ở nhà tôi, mỗi khi tôi nấu một bữa ăn ngon, bố tôi luôn nói cảm ơn mỗi khi kết thúc bữa ăn. Từ đó, con gái tôi, từ khi 3 tuổi, cũng học ông ngoại để biết nói cảm ơn mẹ đã nấu đồ ăn ngon cho con mỗi bữa. Tôi cảm thấy đó là một sự may mắn, gần như là một ưu đãi với tôi trong cuộc sống hằng ngày. Nó khiến cho tôi hạnh phúc hơn khi được nấu ăn cho gia đình, những món ăn của tôi cũng từ đó mà tràn ngập mùi vị của sự biết ơn, và hạnh phúc.
Có người nói với tôi rằng, khi giúp đỡ một ai đó, mà mong cầu một sự biết ơn, đó là sự giúp đỡ vụ lợi, và có mục đích, thì sự giúp đỡ trở thành vô giá trị. Vậy nên chăng, chúng ta cứ mãi quanh quẩn trong những quan niệm nặng nề đó, và tự cho mình quyền không cần biết ơn người đã mang đến cho mình một niềm vui, một sự chia sẻ, giúp đỡ, và nghĩ rằng đó là một suy nghĩ văn minh, đúng đắn?
Bạn ạ, chúng ta cảm thấy biết ơn, và nên nói lời cảm ơn, khi thấy lòng mình cần làm điều đó, nó không phụ thuộc vào người đã giúp mình có mong cầu được nghe lời cảm ơn và mong muốn được trả ơn hay không.
Ngày mai bạn ra đường, bạn khóc dở mếu dở vì chiếc xe bạn chết máy, một người dừng lại giữa dòng đời hối hả, bớt vài phút quý giá và giúp đỡ bạn, rồi lại vội vã hòa vào dòng người tấp nập, không biết sau này còn có dịp gặp mặt lại trong cuộc đời này không. Bạn có nghĩ mình nợ người đó một lời cảm ơn?
Lời cảm ơn, đồng thời còn giúp cho mối quan hệ mỗi chúng ta trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Bằng một sức mạnh vô hình nào đó, lời cảm ơn khiến mọi người trở nên gần gũi và thân thiết hơn rất nhiều, khiến cho cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc hơn. Đôi khi, những việc tưởng như vô cùng khó khăn, nặng nhọc, một câu cảm ơn, mọi việc đều có thể vượt qua.
Hơn cả lời nói, đôi khi, sự cảm ơn còn được thể hiện bằng hành động, một vài sự chia sẻ việc nhà dù nhỏ nhất, một vài những món quà thể hiện tấm chân tình, một vài bó hoa nho nhỏ, hay thậm chí một tin nhắn mang hình một khuôn mặt rạng rỡ… đó cũng là một nguồn năng lượng tích cực tuyệt vời mà chúng ta mang đến cho nhau.
Nên chăng:
- Chúng ta hãy trở về và cảm ơn cha mẹ vì đã luôn ở đó, mở rộng cánh cổng cũng như vòng tay yêu thương để đón bạn trở về, dù bạn có thành công hay thất bại, giàu có hay túng thiếu.
- Chúng ta hãy hôn thật lâu trên đôi má của con thơ, và nói rằng, cảm ơn con đã có mặt trên đời, để cha mẹ biết cách cho đi yêu thương mà không bao giờ mong nhận lại.
- Chúng ta hãy nói cảm ơn người đồng nghiệp ngồi bên cạnh, mỗi sáng đã rửa giúp bạn chiếc cốc bạn để quên từ hôm qua.
- Chúng ta hãy biết mỉm cười cảm ơn bác bảo vệ già, đã giúp bạn kéo được chiếc xe nặng nề ra khỏi hàng trăm chiếc xe nặng nề khác, để bạn về cho kịp giờ đón con.
- Chúng ta hãy cảm ơn người bạn đời, dù cuộc sống nhiều mỏi mệt bon chen, vẫn chọn ở lại bên bạn, cùng bạn chăm sóc gia đình, nuôi nấng con cái, chăm sóc cha mẹ.
- Chúng ta hãy biết cảm ơn đất trời, để sau một mùa đông lạnh lẽo, lại có một mùa xuân, để cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật thay áo mới.
Và chúng ta hãy biết cảm ơn cuộc đời, để mỗi sớm mai thức dậy, ta lại có thêm nhiều ngày mới, để mỉm cười và đón nhận những yêu thương tươi đẹp…
Cuộc sống mệt mỏi và nhiều hồ nghi, khiến cho đôi khi, nhiều người quên mất cách phải nói lời cảm ơn với một ai khác, họ cảm thấy ngượng ngùng hoặc không thể nói cảm ơn một cách tự nhiên. Nhưng hãy nhìn những đứa trẻ, chúng luôn biết nói cảm ơn một cách hân hoan nhất, là do chúng không bị trói buộc bởi quá nhiều những quan niệm hay những sự nghi ngờ, đố kị lẫn nhau.
Còn người lớn thì sao, phải chăng chúng ta đang bị trói buộc bởi quá nhiều những ý đồ, những sự nghi ngờ, đến mức khó có thể cảm thấy biết ơn ngay chính người đã chia sẻ với mình một chút khó khăn trong cuộc sống, thậm chí vui cùng mình những ngày vui. Sự cảm ơn chân thành đôi khi không chỉ mang niềm vui đến cho người đã giúp đỡ mình, mà còn khiến bản thân mình thấy hân hoan, hạnh phúc hơn, sống tích cực, ý nghĩa hơn.
Cuộc sống thực tế không có quá nhiều phép màu, nhưng chúng ta có quyền tự tạo ra những phép màu rực rỡ nhất, đến từ lòng yêu thương chân thành, từ tình yêu và niềm tin, từ lòng biết ơn và sự sẻ chia. Giống như chị bạn tôi kia, nếu như một ngày nào đó, chồng chị thay vì nghiễm nhiên nhìn vợ nấu ăn, dọn dẹp, còn anh nằm gác chân xem vô tuyến, thì anh biết xắn tay giúp chị rửa bát, và thì thầm: “Cảm ơn em đã cho gia đình mình những bữa ăn ngon”. Thì có lẽ, sự chia ly đã không bao giờ xảy ra…
Bình yên là khi ta có thể thực hành sự tha thứ. Cho mình và cho người...
Chẳng có con người nào sinh ra đã hoàn thiện. Ai cũng có lỗi lầm. Bình yên là khi ta có thể thực hành sự tha thứ. Cho mình và cho người.