Cây sinh mệnh

Nếu có phép màu, ta ước vá lành những vết thương trên da thịt đất mẹ, phủ lên những bộ xương khô khổng lồ màu xanh hiền hòa căng tràn nhựa sống.

Phật dạy rằng trong thế gian này chẳng có gì quý hơn sinh mệnh. Đã biết bao lần ta tự hỏi rằng vậy thì Cây có sinh mệnh không?

Cây luôn là biểu tượng mạnh mẽ cho sự phát triển và hồi sinh. Ở đâu có nước là ở đó có sự sống, ở đâu có cây là ở đó sự sống sẽ sinh sôi. Mặc dù là loài chúng sinh vô tình nhưng cây lại mang sinh mệnh mình để nuôi dưỡng chở che cho mọi loài chúng sinh hữu tình trên mặt đất.

Đối với con người, cây nuôi dưỡng chở che, cây vừa là Thầy, vừa là Bạn. Cây dạy cho ta lòng bao dung và từ ái, dạy ta cách vươn lên đầy sinh lực từ cát bụi và tro tàn…, cây lặng lẽ dịu dàng xoa dịu tâm hồn ta, an ủi ta qua những thăng trầm mệt nhọc… Nơi nào không có cây, nơi đó chắc chắn là vùng đất chết, đất vắng cây đất sẽ ngừng hơi thở!

Cây luôn là biểu tượng mạnh mẽ cho sự phát triển và hồi sinh.
Cây luôn là biểu tượng mạnh mẽ cho sự phát triển và hồi sinh.

Không ngẫu nhiên mà khi Chúa tạo ra thế giới này, Ngài đã tạo ra vạn vật muôn loài chim muông, cây cỏ trước khi tạo ra con người nhưng lại ban cho con người tư cách làm chúa tể nhân gian.

Vậy mà bởi lòng tham và sân, vì u mê mông muội, con người ta bằng mọi cách triệt hạ sinh mệnh cây cối để biến thành những thứ vô tri phục vụ cho tính hoang đàng và vị kỷ. Mỗi lần đi dọc dài trên những cung đường đẹp như mơ đất Việt, lòng ta không khỏi xót xa vì thấy xen trong những mảng xanh căng tràn nhựa sống là những mảng da thịt đất trọc phơi bày vết thương đầy đớn đau, những vết thương ấy cứ lan dần lan dần rộng khắp như một bệnh dịch vô phương cứu chữa…

Mỗi khi theo dõi tin tức, thấy hết cánh rừng này đến cánh rừng khác bị triệt hạ, dù đau nhưng vẫn cảm thấy có chút gì xa xôi và tự an ủi mình vẫn vô can. Chỉ đến khi rừng đã chết và rừng đã khép, rồi những hàng cây xanh cổ thụ trên phố ngã xuống để nhường lại không gian cho bê tông cốt thép như những bộ xương khô khổng lồ trơ trọc trong không khí nóng nực khói bụi ô nồng… ta mới thấy tim mình thắt lại, dường như hơi thở cũng khó khăn.

Chứng kiến những trận lũ lụt kinh hoàng trong những ngày gần đây ta mới hiểu sự khủng khiếp của nhân tai, của cái giá phải trả khi người ta đang tâm truy cùng diệt tận, tước đi quyền sinh tồn của sinh mệnh trong tự nhiên, ta mới hiểu thế nào gọi là “phá rừng thì rưng rưng nước mắt”.

Nếu có một phép màu, ta ước mình có thể vá lành những vết thương trên da thịt đất mẹ quê hương, phủ lên những bộ xương khô khổng lồ bằng màu xanh hiền hòa mà căng tràn nhựa sống của cây cỏ, để một ngày nào khi quay lại những nơi này ta lại được nhìn thấy “cây đã mọc từ thủa nào trên đồi núi thật cằn khô, cây có hiểu vì sao chim thường kéo về làm tổ”.

Nhưng ta cũng hiểu rằng nếu ta đơn độc thì mọi ước mơ của ta dù chân thành đến đâu cũng khó thành hiện thực. Liệu có ai chung ước nguyện cùng ta. Mỗi người gieo một mầm cây rồi cây sẽ thành rừng và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất cũng là giữ sức sống cho nhân sinh trên đất. Chỉ có người nghỉ mệt dưới bóng cây chứ cây nào có nghỉ mệt dưới bóng người bao giờ!

Samson Phạm

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Học Đất để làm Người: sức mạnh của sự khiêm nhường

Tất cả mọi thứ trên thế gian này liệu có gì khiêm nhường hơn đất. Vậy sao ta không học Đất để làm Người ?