Chỉ một chút nhỏ nhoi, miễn là biết sẻ chia...

Được trợ cấp an sinh xã hội chừng nào là quý chừng đó. Một miếng giữa đàng bằng một sàng trong bếp. Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Cuối tuần trước, đi mua bánh mỳ Hoan, qua Bờ Hồ tiện tay bấm mấy bức ảnh. Không phải chờ đến lệnh giãn cách xã hội, mà từ hàng tuần nay, từ khi dừng nhập cảnh với khách nước ngoài, Bờ Hồ đã vắng đến lặng người. Những khách sạn, nhà hàng khu phố cổ dần đóng cửa, không còn vẻ nhộn nhịp qua lại, vừa thanh nhã vừa đường phố thường thấy. Lẽ ra vắng người thì sẽ rất dễ chịu, nhưng cái vắng vẻ mùa dịch này chỉ mang lại cảm giác bất an.

Bánh mỳ Hoan bao giờ vỏ cũng dai dai, hơi cháy rất đúng cữ, nên có mùi thơm rất đặc biệt và giữ được lâu. Mùi thơm, lúc nào cũng thật sự an ủi, nhất là mùi thơm của bánh, của cơm giữa cơn đại dịch, nó mang lại một cảm giác về chỗ dựa rất tự nhiên, an lành và vĩnh cửu.

Nói thế tự dưng lại nhớ ra những món ăn đường phố mà dễ đến hai tháng nay đã không một lần đụng đũa. Thèm một cốc bia hơi mát lạnh với nem thính và lạc. Rồi thèm một bữa bún dọc mùng lưỡi mọc. Rất nhiều món bình thường thích mà lâu nay không ăn. Giãn cách xã hội, hóa ra làm người ta nhìn rõ mình hơn. Có những thói quen tưởng chừng như không thể thiếu, nhưng cuối cùng chẳng cần đến nó chúng ta vẫn sống tốt. Con người vốn rất dễ thích ứng. Đó là đặc tính đã được rèn luyện qua hàng chục nghìn năm tiến hóa. Người ta thiếu nhau còn được, mình thiếu mỗi bát bún dọc mùng hay cốc bia hơi thì có xá gì.

Chỉ một chút nhỏ nhoi, miễn là biết sẻ chia...

Tin tốt là tháng trước Chính phủ đã thông qua gói an sinh 62 nghìn tỷ cho những người lao động bị ảnh hưởng vì dịch. Rất mừng vì sẽ có những người được giúp đỡ. Hay lân la đi hỏi chuyện mọi người, cả người quen lẫn người dưng chỉ gặp tình cờ như cô bán hàng ngoài chợ hay cậu xe ôm công nghệ. Người mở nhà hàng lẫn người mỗi ngày làm một thúng ngô với khoai, sắn, bánh gai bánh nếp.

Có người làm ở nhà thì sống chậm được, có người lo thắt ruột thắt gan vì không kiếm ra tiền. Có những khó khăn đến mức người khác không hình dung ra nổi. Nhìn ngoài vào họ vẫn có vẻ ổn thôi. Nhưng ai biết rời tay ra là họ không có cái mà ăn. Cửa hàng đóng hàng tháng nay, doanh thu ở đâu ra mà tích lũy. Đại gia mở khách sạn nhà hàng to có cái khó của đại gia, còn người mở cửa hàng nhỏ, buôn bán vỉa hè thậm chí phải thắt chặt bữa ăn hàng ngày. Có phải ai cũng có một khoản tích lũy tốt dùng cho lúc hoạn nạn đâu.

Hôm trước đọc, sẽ có 20 triệu người được hỗ trợ, từ người lao động trong các doanh nghiệp, người được bảo trợ, người lao động tự do, người nghèo và cận nghèo…  Riêng Hà Nội có 36.000 lao động trong các doanh nghiệp mất việc, thiếu việc, chưa kể 40.000 giáo viên, người lao động khối trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng đến thu nhập. Nhìn những con số mới thấy dịch tác động kinh khủng đến người dân thế nào.

Được trợ cấp an sinh xã hội chừng nào là quý chừng đó. Một miếng giữa đàng bằng một sàng trong bếp. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Cả năm đóng thuế, đóng bảo hiểm, lúc khó khăn được nhớ đến là mừng rồi.

Ngay giữa Hà Nội này chứ chẳng đâu xa, nhiều người cũng đang lo đến thắt cả tim. Nhiều bạn bè, người thân nghỉ việc ra mở cửa hàng nho nhỏ tự kinh doanh, giờ hàng không bán được, tiền nhà vẫn phải trả đều, chủ nhà nào thông cảm thì miễn cho một tháng. Thuế thì bị nhắc tận nơi không chậm ngày nào, kể bán online cũng bị hỏi thuế đến nơi đến chốn. Giờ có gói an sinh thì bộ ban ngành có nhớ đến họ. Cô em than thở, các công ty doanh nghiệp lớn còn dễ được hưởng các loại miễn giảm thuế, giãn nợ hay vay lãi suất thấp, còn bọn em chả biết thế nào. Ừ, những người như em có được nhận, và biết bao giờ được nhận khoản an sinh xã hội ấy? Có được thống kê đầy đủ và có phải thủ tục giấy tờ phức tạp đến hết năm Covid thứ nhất còn chưa thấy trợ cấp đâu?

Còn những người lao động tự do khác, cũng quanh mình thôi, những bà những chị chạy chợ hàng ngày, bà bán trứng vịt lộn ăn sáng, cậu em làm nhà hàng phải nghỉ thì sao? Hay chị hàng hoa nào đó mà là một trong 3 người đầu tiên ở Hà Nội bị phạt vì ra đường trong ngày đầu cách ly, giãn cách xã hội? Chị ấy có được trợ cấp không? Chị cố ra đường vì không biết lệnh cách ly, hay vì cố kiếm thêm cân gạo cân thịt? Có thể chị là công nhân một nhà máy nào đó, giờ giãn việc, nỗi lo chồng lên gấp đôi? Trong đại dịch, hoa trở thành không được coi là mặt hàng thiết yếu. Sẽ có người bảo, đang lo vì dịch lại còn hoa với hoét. Nhưng thật ra lúc dịch dã này càng cần hoa chứ nhỉ, như một chút xoa dịu tinh thần cho đỡ sợ bệnh tật. Cho quên bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền. Cho bớt những tổn thương tâm lý. Cho đỡ cô đơn trên hành tinh này.

Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm

Vèo một cái, cũng đã được nới lỏng giãn cách xã hội. Hy vọng chỉ có một đợt giãn cách mà thôi chứ không phải kéo dài. Hy vọng rồi mọi chuyện sớm ổn thôi. Nhìn trên Facebook thì bao nhiêu bạn bè người thân của mình chia sẻ hoa tự trồng, món ăn tự nấu. Nhưng rất nhiều lo âu mà họ không kêu ca. Chỉ cho con trai các cửa hàng đóng cửa ngoài đường, bảo bạn ấy rằng rồi mọi việc sẽ còn khó khăn đấy, bạn nhắn tin ủng hộ công cuộc chống Covid nhé. Bạn đồng ý ngay. Lấy điện thoại của mẹ nhắn tin rồi lấy tiền mừng tuổi ra trả mẹ.

Chỉ một chút nhỏ nhoi, miễn là biết sẻ chia.

Mỹ Hằng

Bàn tay luôn nối với trái tim

Bàn tay luôn nối với trái tim

Khi bạn có một bàn tay yên ổn và tin cậy trong tay thì hãy biết trân trọng. Vì bàn tay không phải cái bàn chải hay đôi đũa dùng một lần.