Ai được tham gia gói hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19?

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ đồng.

Theo đó, các đối tượng thuộc diện hỗ trợ sẽ được hỗ trợ không quá 3 tháng tính từ ngày 1/4/2020 với số tiền: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương: 1,8 triệu đồng/người/tháng;

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm: 1 triệu đồng/người/tháng;

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm phải tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020: 1 triệu đồng/tháng;

Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019: 250.000 đồng/khẩu/tháng;

Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng: 500.000 đồng/người/tháng;

Gói hỗ trợ dành cho người ảnh hưởng dịch COVID-19. 
Gói hỗ trợ dành cho người ảnh hưởng dịch COVID-19. 

Riêng người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Ngoài ra, Nghị quyết còn cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm kiếm việc làm hàng tháng dưới hình thức gián tiếp như gửi thư điện tử, fax... trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến khi công bố hết dịch mà không phải xin xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về việc xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.

Việc thực hiện gói hỗ trợ này trên tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Trong đó, Nhà nước cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Chính phủ giao Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì hướng dẫn các địa phương xác định đúng đối tượng và thực hiện chính sách này.

Theo Bộ LĐ-TB&XH dự báo nếu dịch tiếp tục diễn biến như hiện nay thì số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người.

Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải và kho bãi, du lịch sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với số người chịu ảnh hưởng chiếm 75-85% tổng số bị ảnh hưởng theo các ước tính ở trên.

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương