Chủ tịch Microsoft cảnh báo thế giới đối mặt vói thách thức lớn về việc làm

Chủ tịch Microsoft Brad Smith cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với thách thức ghê gớm về việc làm.

Ông Smith nói rằng hàng triệu người sẽ phải học các kỹ năng mới để tìm việc, hay thậm chí để giữ được việc cũ, trong lúc việc số hóa các nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Microsoft gần đây thông báo một chương trình dạy kỹ năng và đào tạo tới 25 triệu người trên toàn cầu trong năm nay. Hãng này sẽ cung cấp đào tạo, dạy kỹ năng, cấp chứng chỉ và giúp người học tìm việc.

Microsoft sẽ thực hiện chương trình này với sự trợ giúp của LinkedIn thuộc sở hữu của chính hãng. Tuy nhiên, ông Smith thừa nhận nhiều việc làm ở nhiều nước sẽ vượt quá tầm vươn của đào tạo số.

Ông nói: "Đúng thực là bản chất của công việc rất khác nhau trên thế giới. Không phải việc nào cũng có thể số hóa, nhất là ở các nước đang phát triển. Chúng ta sống trong một thế giới bất bình đẳng về Internet nếu chúng ta không làm gì để thay đổi, chúng ta sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề bất bình đẳng khác mà chúng ta đang lo ngại. Đây là một nhiệm vụ vượt khỏi tầm của một công ty hay một chính phủ nhưng nếu chúng ta có thể vươn tới 25 triệu người, chúng ta sẽ thấy mình đều góp phần".

Microsoft sẽ chi 20 triệu USD cho chương trình này, một khoản tiền có vẻ như tương đối nhỏ đối với một hãng mà giá trị đã tăng thêm 500 tỷ USD trong năm qua.

Nếu các hãng công nghệ có vẻ nhiều quyền lực trước đại dịch COVID-19, giờ đây họ lại càng có thêm quyền lực. Chỉ năm hãng đã chiếm tới 20% giá trị chỉ số S&P 500. Ông nói: "Công nghệ là một công cụ đầy sức mạnh nhưng cũng có thể là một vũ khí nguy hiểm khi trao nhầm tay. Vì vậy đây là thời điểm chủ chốt cho công nghệ, nó có trách nhiệm cao hơn bao giờ hết. Để đảm bảo công nghệ phục vụ cho việc thiện, các chính phủ cần hành động nhanh chóng để xây dựng luật pháp về công nghệ. Trong khi đó, các hãng công nghệ cần tự kiểm soát một chút".

  Khung cảnh bên ngoài cửa hàng Microsoft, hiện đóng cửa, ở Oxford Circus, London.

Khung cảnh bên ngoài cửa hàng Microsoft, hiện đóng cửa, ở Oxford Circus, London.

'Không có gì có thể giải quyết được nếu không có chúng tôi'

Đạt được thỏa thuận toàn cầu về việc điều tiết và đánh thuế công nghệ ra sao là điều vô cùng khó khăn. Nhiều quốc gia lo lắng vì nền kinh tế của họ ngày một có xu hướng số hóa cao, khiến cho việc thu thuế để có được nguồn thu họ cần nhằm chi trả cho hàng tỷ USD thiệt hại do dịch COVID-19 ngày càng khó hơn.

Những tiến bộ trong công nghệ cũng thúc đẩy quá trình tự động hóa và AI cao, đẩy nhanh tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Ông Smith thấy các công nghệ phải có trách nhiệm gì để bù đắp cho những thay đổi về việc làm mà họ mang lại. Ông nói: "Tôi cho rằng tin vui là các chính phủ có các công cụ họ cần để đảm bảo các hãng công nghệ tiếp tục đáp ứng nhanh và hành xử có trách nhiệm theo pháp quyền.

Về căn bản, trách nhiệm của các hãng và các công ty và quốc gia là đảm bảo họ có kỹ năng cần thiết để hưởng lợi thay vì gánh chịu hậu quả của những thay đổi diễn ra.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đều cần hiểu rằng công nghệ không thể giải quyết tất cả, nhưng chẳng có gì có thể giải quyết được nếu không có chúng tôi".

(Nguồn: TTXVN).

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương