Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 19/10 đồng loạt giảm sâu khi sắp hết hạn chót 48 giờ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra và hai đảng Dân chủ - Cộng hòa vẫn chưa chốt được một gói giải cứu kinh tế. Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng lên ở nhiều bang.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 411 điểm, tương đương 1,4%, đóng cửa ở 28.195 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này tăng hơn 100 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc lần lượt 1,6% và 1,7%. Cả Dow Jones và S&P 500 đều vừa chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/9, Nasdaq giảm sâu nhất kể từ ngày 2/10. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019 Nasdaq đi xuống 5 phiên liên tiếp.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn diễn biến tiêu cực. Alphabet , Microsoft , Apple và Amazon đều giảm ít nhất 2%, Facebook sụt 1,7%. Cổ phiếu năng lượng và công nghệ là hai nhóm giảm mạnh nhất chỉ số S&P 500, mất lần lượt 2,1% và 1,9% trong phiên 19/10.
Ảnh minh họa |
Vào ngày Chủ nhật 18/10, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (thuộc Đảng Dân chủ) đã cho chính quyền Tổng thống Donald Trump (thuộc Đảng Cộng hòa) hạn chót 48 giờ để chốt thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế trước cuộc bầu cử 3/11. Bà Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin có lịch thảo luận với nhau vào chiều 19/10 (theo giờ Mỹ).
Tuy nhiên tờ Washington Post dẫn nguồn tin riêng cho biết bà Pelosi và chính quyền Donald Trump "chưa tiến gần" đến một thỏa thuận. Sau thông tin này, các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt rơi xuống đáy của ngày.
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 19/10, bởi kỳ vọng ngày càng tăng về việc đạt được một thỏa thuận cứu trợ mới nhằm ứng phó ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 260,50 điểm (hay 1,11%), lên 23.671,13 điểm. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đảo chiều tăng sau bốn phiên giảm trước đó. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Kospi tăng 5,21 điểm (0,22%), lên 2.346,74 điểm.
Còn tại thị trường chứng khoán Australia, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 52,60 điểm (0,85%) lên 6.229,40 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 155,47 điểm (0,71%), lên 24.542,26 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 23,69 điểm (0,71%), xuống 3.312,67 điểm trước những thông tin về tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng trong quý III/2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc thông báo tăng trưởng kinh tế đạt 4,9% trong quý III/2020, qua đó ghi nhận quý thứ hai liên tiếp nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
(Nguồn: TTXVN/KT&TD)