Chứng khoán Việt Nam được dự báo ra sao trong năm Nhâm Dần?

Dù thị trường có nhiều biến động mạnh trong tháng cuối cùng năm Tân Sửu, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn giữ nguyên quan điểm chứng khoán Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực trong năm Nhâm Dần.

Dù thị trường có nhiều biến động mạnh trong tháng cuối cùng năm Tân Sửu, tuy nhiên giới chuyên gia vẫn giữ nguyên quan điểm chứng khoán Việt Nam có nhiều triển vọng tích cực trong năm Nhâm Dần, nhờ gói kích thích kinh tế và kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của nền kinh tế.

Nhiều biến động trong tháng cuối năm

Khép lại phiên giao dịch cuối cùng năm Tân Sửu (28/1), chỉ số VN-Index có sự hồi phục nhẹ khi tăng 8,2 điểm, lên mức 1.478,96 điểm. Một màu xanh bao phủ thị trường với 16/19 ngành tăng điểm, đặc biệt các mã chứng khoán và ngân hàng có phiên giao dịch khá tích cực. Giao dịch khối ngoại cũng có một phiên tích cực khi mua ròng trên cả hai sàn HSX và HNX.

Diễn biến tích cực của thị trường trong phiên 28/1 cũng phần nào giúp nhà đầu tư yên tâm ăn Tết và có thêm hi vọng vào triển vọng thị trường trong năm mới Nhâm Dần sau những phiên không mấy tích cực trước đó.

Đặc biệt, sau sự kiện lãnh đạo FLC bán chui cổ phiếu bị phanh phui và Tân Hoàng Minh xin trả cọc đấu giá dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM), nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn, khiến chỉ số VN-Index có thời điểm "bốc hơi" trên 40 điểm, kéo chỉ số VN-Index xuống dưới mốc 1.440 điểm. Tính chung trong tháng cuối năm, VN-Index đã mất 20 điểm, từ mức 1.498,28 điểm tại ngày 31/12/2021.

screen-shot-2022-01-29-at-19.08.46.png

Ngoài yếu tố ảnh hưởng của vụ việc trên, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, diễn biến tiêu cực của thị trường trong tháng cuối cùng năm Âm lịch còn có nguyên nhân từ sự chưa hồi phục hoàn toàn của không ít doanh nghiệp niêm yết bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Điều này thể hiện qua kết quả kinh doanh quý IV/2021 không mấy tích cực của doanh nghiệp đang được công bố từ giữa tháng 1/2022 đến nay và các doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết được bài toán phục hồi tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tâm lý bán chốt lời trước kỳ nghỉ lễ dài ngày trước Tết Nguyên đán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường.

Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, thời điểm cận Tết, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng rút tiền ra khỏi thị trường để tránh rủi ro trong kỳ nghỉ Tết khá dài; hoặc tận dụng những ngày nghỉ chuyển qua gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi. Vì vậy, thị trường có khuynh hướng cầu lớn hơn cung nên có xu hướng sụt giảm và sẽ hồi phục trở lại sau kỳ nghỉ lễ.

"Việc thị trường biến động mạnh trong tháng đầu năm cũng không có gì khó hiểu khi thị trường đã trải qua một nhịp tăng dài, khi VN-Index tăng từ 1.300 điểm lên tới 1.500 điểm. Do đó, thị trường cần có nhịp điều chỉnh lại giá cổ phiếu về mặt bằng giá hợp lý hợp, qua đó mới kích thích dòng tiền mới tham gia thị trường", ông Trương Hiền Phương cho biết thêm.

Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng cho rằng, những phiên giao dịch cuối năm Âm lịch thường là giai đoạn mà thị trường giao dịch với thanh khoản dần cạn kiện và năm nay cũng không nằm ngoại lệ. Thanh khoản khớp lệnh trên thị trường đã có 2 tuần cuối năm duy trì thấp hơn trung bình.

Theo dữ liệu SHS thống kê trong lịch sử, thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết. Điều này đã diễn ra 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (ngoại trừ năm 2020 thị trường giảm do COVID-19). Do đó, thời điểm trước Tết, những phiên giảm điểm sâu sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu để đón sóng tăng đầu năm mới.

Giữ nguyên nhận định tích cực trong trung và dài hạn

Dù có nhiều biến động mạnh trong thời gian qua, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi. Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam giữ nguyên quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn, dù đánh giá thị trường sẽ còn tiêu cực trong ngắn hạn.

Theo ông Minh, trong năm Nhâm Dần, chứng khoán Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ tốt hơn; các hoạt động bị trì trệ trước đó như du lịch, hàng không… sẽ quay trở lại bình thường dù COVID-19 vẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết theo đó sẽ được cải thiện tốt hơn trong năm mới, qua đó thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán.

Ông Trương Hiền Phương cũng cho rằng, chỉ số VN-Index có thể lên đến 1.700 điểm trong năm mới. Việc đại dịch đã dần được kiểm soát, nhiều quốc gia; trong đó có Việt Nam đã mở cửa giao lưu với nhau, nền kinh tế theo đó sẽ dần hồi phục và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết dự kiến có thể lên tới 10-20%, thậm chí tới 30% trong năm 2022.

t1-29-ck-01-20220129165336.jpg
Dù có nhiều biến động mạnh trong thời gian qua, song thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được dự báo có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ yếu tố vĩ mô thuận lợi. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Bên cạnh đó, Chính phủ đang quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các công trình điện, đường trường trạm, cầu cảng… Qua đó có thể tạo ra hiệu ứng domino giúp cho nhiều doanh nghiệp niêm yết được hưởng lợi và tạo hiệu ứng lan tỏa ra nền kinh tế.

"Với chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước cũng như giai đoạn giãn cách đã qua, Việt Nam có thể trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, công ty ngay sau khi mở lại các đường bay quốc tế. Các quỹ đầu tư cũng có khuynh hướng đón đầu xu hướng phát triển của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ sớm quay trở lại thị trường, thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam lên một tầm cao mới trong năm mới", ông Phương nhận định.

Thực tế, ngay trong giai đoạn lình xình tháng 1/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đón nhận thêm 1 quỹ ngoại mới đến từ Đài Loan tham gia thị trường. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, kết thúc vào ngày 19/1/2022, Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSVOF) đã huy động được 143 triệu USD.

Theo ông Richard Kao, Giám đốc đầu tư của Jih Sun, với quy mô dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, dòng tiền đầu tư nước ngoài khá ổn định, xuất khẩu ngày càng tăng và nền kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có vị trí tốt để tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Thực tế, trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt từ 7% trở lên.

"Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là điều mà các công ty Đài Loan đã biết trong nhiều năm qua nhờ nằm trong nhóm đứng đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân Đài Loan đã có rất ít lựa chọn để tham gia vào sự phát triển của thị trường năng động này, đó là điều đã thúc đẩy chúng tôi khởi chạy JSVOF. Chúng tôi tin rằng việc Việt Nam mở cửa trở lại sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là thời điểm thị trường tương đối tốt để ra mắt quỹ JSVOF", ông Richard Kao chia sẻ.

(Nguồn: TTXVN)

P.V (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương