Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 chính thức có hiệu lực tại EU

Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/7 chính thức áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 với hy vọng đây sẽ là “bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực sau 1 năm đìu hiu dưới tác động của đại dịch.

Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU được thiết lập với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân EU.

Đây là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc thẻ cứng để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này gồm 3 nội dung: chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 (sử dụng các loại vaccine được EU phê chuẩn, như vaccine của BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson&Johnson), kết quả mới nhất xét nghiệm âm tính với COVID-19, hoặc chứng minh có kháng thể sau khi đã mắc COVID-19, theo TTXVN.

Những yếu tố này đủ tin cậy để khẳng định người sở hữu chứng nhận không có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh.

Mã QR này chứa dữ liệu "tối cần thiết" để giám sát việc đi lại an toàn, song vẫn tuân thủ Luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu.

773x435_cmsv2_dd116acf-9581-533a-ae1c-2f45c684931c-5822138.jpg
Một bức ảnh được chụp vào ngày 16/6/2021 tại Brussels cho thấy màn hình của một chiếc điện thoại di động mang chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19. Ảnh: AFP

Theo đó, dữ liệu người dùng không được trao đổi giữa các quốc gia, mà chỉ có thông tin xác thực liên quan COVID-19 được hiển thị. Các quốc gia là điểm đến hoặc điểm quá cảnh cũng sẽ không lưu lại dữ liệu của hành khách sau khi đã hoàn tất xác minh.

Theo một đạo luật ban hành tháng trước, chủ sở hữu Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU có thể thoải mái di chuyển trong 27 quốc gia nội khối, cùng 4 quốc gia liên kết là Iceland, Na Uy, Thụy Sỹ và Liechtenstein, mà không cần cách ly hoặc thực hiện thêm các thủ tục xét nghiệm khác.

Tuy nhiên, đạo luật này cũng đưa ra cơ chế “phanh khẩn cấp”, theo đó, nếu tình hình dịch bệnh một nước EU có chiều hướng xấu đi nhanh chóng hoặc xuất hiện một biến thể mới của virus COVID-19, thì những người tới từ nước này vẫn sẽ phải tuân thủ quy định cách ly thông thường.

Tính đến ngày 30/6, 21 quốc gia EU đã chấp nhận chứng nhận kỹ thuật số này, trong đó có các điểm đến du lịch chủ chốt như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp và Croatia.

Ngay từ khi được đề xuất, Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 đã được kỳ vọng sẽ giúp EU mở cửa trở lại theo cách an toàn, bền vững và có thể dự đoán được”. Các nước nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch đặc biệt hoan nghênh.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định chứng nhận kỹ thuật số này "rất quan trọng đối với ngành du lịch”, mở ra cơ hội phục hồi lớn không chỉ đối với các công ty lữ hành, ngành dịch vụ, hàng không… mà còn tác động tích cực tới thị trường lao động khi ngành du lịch cung cấp 27 triệu việc làm tại các quốc gia EU.

PV