Chính quyền các địa phương ở Vương quốc Anh đã rơi vào trạng thái hoảng loạn vào ngày 6/9 sau khi Hội đồng thành phố Birmingham tuyên bố phá sản. Các nhà chức trách cảnh báo rằng, nhiều hội đồng trên khắp nước Anh có thể tuyên bố mình đang gặp khó khăn về tài chính.
Với dân số khoảng 1,15 triệu người, Birmingham là thành phố lớn thứ hai ở Anh. Ảnh:VCG |
Theo tờ China Daily, Hội đồng thành phố Birmingham - một trong những hội đồng thành phố lớn nhất châu Âu, đã tuyên bố phá sản vào ngày 5/9. Hội đồng - cơ quan quản lý các dịch vụ công trong thành phố Birmingham - đã đưa ra quyết định này sau khi cho biết họ không thể tiếp tục duy trì ngân sách hàng năm trị giá 3,2 tỷ bảng Anh (4 tỷ USD).
Thông báo về khoản thiếu hụt hàng năm lên tới 87 triệu bảng Anh (108,7 triệu USD), cơ quan quản lý các dịch vụ công ở thành phố miền trung nước Anh này đã ban hành Thông cáo số 114 theo Đạo luật Tài chính Chính quyền Địa phương năm 1988 của Vương quốc Anh, điều này có nghĩa là Birmingham thừa nhận mình đã vỡ nợ.
Theo China Daily, các cơ quan đại diện cho chính quyền địa phương trên khắp nước Anh cho biết, các thành phố khác chứng kiến những gì đã xảy ra ở Birmingham và có thể làm tương tự, do cơn bão chi phí tăng nhanh và không có khả năng tìm kiếm nguồn thu để bù đắp chi phí.
Jonathan Carr-West - Giám đốc điều hành Đơn vị Thông tin Chính quyền Địa phương của Anh - cho biết, vụ phá sản của Hội đồng thành phố Birmingham diễn ra vào "thời điểm chín muồi" do lạm phát cao và chi phí nhiên liệu tăng nhanh, cũng như đầu tư từ Chính phủ Anh giảm, và có thể lan sang những nơi khác.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Carr-West nói rằng: “Chính phủ [Anh] đã giúp đỡ các hội đồng sống sót từ năm này sang năm khác quá lâu. Birmingham là hội đồng lớn nhất vỡ nợ từ trước đến nay, nhưng trừ khi có điều gì đó thay đổi, nếu không đây sẽ không phải là hội đồng cuối cùng."
Viện nghiên cứu Chính phủ Anh cho biết, nguy cơ các chính quyền địa phương khác tuyên bố phá sản đã trở nên trầm trọng hơn do kinh doanh thất bại và sự sụt giảm tương ứng trong nguồn thu thuế kinh doanh của các hội đồng. Tổ chức này cho biết thêm, các chính quyền địa phương ở Anh đã chứng kiến nguồn thu của họ giảm 17,5% trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2020.
Chuỗi domino sụp đổ
Theo China Daily, tuyên bố phá sản của Hội đồng thành phố Birmingham diễn ra sau những thông báo tương tự của các chính quyền địa phương nhỏ hơn, bao gồm cả quận Croydon ở phía nam London - nơi tuyên bố phá sản vào tháng 11/2022 sau khi thông báo về khoản lỗ ngân sách lên tới 130 triệu bảng Anh (162,5 triệu USD). Hội đồng Thurrock ở Essex cũng làm như vậy vào tháng 12/2022. Và Hội đồng Borough Woking tuyên bố phá sản vào tháng 6/2023.
Hội đồng thành phố Birmingham thực hiện công việc thu gom rác thải đối diện tòa nhà Tòa thị chính thành phố ở Quảng trường Victoria tại Birmingham, Vương quốc Anh vào ngày 5/9/2023. Ảnh: Getty |
Hàng loạt vụ phá sản đã khiến SIGOMA - một nhóm gồm 47 hội đồng đô thị trong Hiệp hội chính quyền địa phương của Anh - cảnh báo rằng, như một hiệu ứng domino, khoảng 1/10 chính quyền địa phương ở Anh có thể tuyên bố phá sản trong những tháng tới, đe dọa các dịch vụ như chương trình văn hóa, giáo dục, thư viện, nhà ở của chính quyền địa phương, thu gom rác, chăm sóc xã hội và giao thông…
Stephen Houghton - chủ tịch SIGOMA - nói với hãng tin AP: “Chính phủ [Anh] cần nhận ra những áp lực lạm phát đáng kể mà chính quyền địa phương đã phải đối phó trong 12 tháng qua. Hệ thống hỗ trợ tài chính đã hoàn toàn sụp đổ. Các hội đồng đã làm nên những điều kỳ diệu trong 13 năm qua, nhưng chẳng còn gì cả."
Sky News dẫn lời người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng, nguồn tài chính bổ sung của Chính phủ Anh, ngoài những gì đã được công bố, sẽ không có thêm.
Người phát ngôn nói: “Về phần mình, Chính phủ [Anh] đã can thiệp để cung cấp gói hỗ trợ thêm 5,1 tỷ bảng Anh (6,4 tỷ USD) cho các hội đồng trong năm 2023-24, đối với Hội đồng thành phố Birmingham là tăng hơn 9%.”
Tuy nhiên, ông cho biết, các chính quyền địa phương chỉ cần "quản lý tốt ngân sách của chính họ" để có thể trang trải chi phí.
Người phát ngôn nói thêm: “Tôi biết, Chính phủ [Anh] đã thường xuyên phối hợp với họ để đạt được mục tiêu đó và đã bày tỏ quan ngại về các thỏa thuận quản trị của họ và đã yêu cầu lãnh đạo hội đồng đảm bảo về việc sử dụng tốt nhất tiền của người nộp thuế.”
BBC hôm 6/9 đưa tin rằng, các cuộc đàm phán khẩn cấp đã bắt đầu. Hội đồng thành phố Birmingham, Chính phủ Anh và các lãnh đạo công đoàn đang tìm kiếm con đường tốt nhất phía trước.
Đài truyền hình này cho biết, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào dự luật trị giá 760 triệu bảng Anh (949,7 triệu USD) theo lệnh của tòa án mà chính quyền địa phương đã được trao để yêu cầu trả lương ngang bằng và việc triển khai vượt quá ngân sách của một hệ thống máy tính mới có thể khiến thành phố tiêu tốn 100 triệu bảng Anh (125 triệu USD).
Hội đồng thành phố Birmingham cũng đang tìm cách cắt giảm chi tiêu và đã liên hệ với 10.000 nhân viên để xem liệu có ai sẵn sàng tự nguyện từ bỏ công việc của mình hay không.
5 vấn đề then chốt trong vụ phá sản của 'đại gia' bất động sản Evergrande
Tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã chính thức nộp hồ sơ xin phá sản tại New York trong nỗ lực bảo vệ các tài sản ở Mỹ khỏi các chủ nợ trong quá trình tái cơ cấu lại doanh nghiệp, theo Nikkei.