'Quả bom nợ' Evergrande đệ đơn xin phá sản

Hôm 17/8, China Evergrande Group, từng là công ty bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Tập đoàn bất động sản China Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15, cho phép tòa án của Mỹ công nhận một thủ tục phá sản hoặc tái cơ cấu nợ liên quan đến nước ngoài.

Evergrande từng vỡ nợ năm 2021, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, dẫn đến hàng nghìn ngôi nhà chưa hoàn thành trên khắp nước này. Giữa tháng trước, Evergrande công bố khoản lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022. Ước tính hiện Evergrande đang nợ khoảng 2.437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) - tương đương 2% GDP Trung Quốc.

Nguyên nhân Evergrande rơi vào khủng hoảng được cho là chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản.

'Quả bom nợ' Evergrande đệ đơn xin phá sản - Ảnh 1.

Evergrande đang nợ khoảng 2.437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) - tương đương 2% GDP Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Đầu năm nay, Evergrande đã công bố kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ. Đây được xem là kế hoạch tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. Hồi tháng 4, họ cho biết vẫn chưa đạt tỷ lệ đồng thuận cần thiết trong nhóm chủ nợ để bắt đầu kế hoạch này.

77% nhà đầu tư nắm trái phiếu hạng A đã thông qua. Trong khi đó, chỉ 30% trái chủ hạng C đồng ý. Công ty này cần ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm đồng ý, để thực hiện một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất tại Trung Quốc tính đến nay. Tháng trước, công ty này được tòa án chấp thuận tổ chức bỏ phiếu về kế hoạch tái cấu trúc. 

"Việc tái cấu trúc được đề xuất sẽ giảm bớt áp lực nợ nần ở nước ngoài của công ty và tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực của công ty để tiếp tục hoạt động và giải quyết các vấn đề về nợ", Evergrande cho biết.

 Việc Evergrande đệ đơn xin phá sản diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các vấn đề trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể lan sang nhưng bộ phận khác của nền kinh tế nước này khi tăng trưởng chậm lại.

Mới đây nhất, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, Country Garden cũng cảnh báo "đang cân nhắc nhiều phương án xử lý nợ khác nhau". Việc này làm dấy lên đồn đoán công ty này chuẩn bị tái cấu trúc nợ do khó huy động vốn.

(Nguồn: Bloomberg)

TÚC