Ngày ấy, khi tôi, một phóng viên mới chân ướt chân ráo về tòa soạn, được phân công viết mỹ thuật, đưa tin về triển lãm của họa sĩ Bùi Xuân Phái, người phụ trách tôi cầm bản thảo, ngần ngừ: Anh này (tức họa sĩ Bùi Xuân Phái) không sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đưa cũng hơi ngại.
Đấy là đã cuối năm 1989, cũng không phải triển lãm đầu tiên của họa sĩ Bùi Xuân Phái, chỉ là một triển lãm nhỏ ở gallery Hàng Khay, do gia đình tổ chức hơn một năm sau ngày họa sĩ mất. Cái tin rồi vẫn lên được trên báo nhưng bé đúng bằng một bao diêm.
Kể lại câu chuyện này để bạn đọc bây giờ có thể hình dung về không khí sáng tác và triển lãm thời kỳ ấy. Mặc dù trước năm 1989 đã bắt đầu những triển lãm nhóm và cá nhân. Nhưng đâu đó, sự xét nét khắt khe vẫn còn, và còn rất rất lâu.
Năm 1999, mười năm sau đấy, khi nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân qua đời, tôi có viết bài khóc ông, khóc thật sự vì một con người tài giỏi đẹp đẽ nhường ấy ra đi, tôi còn được cả một tốp bốn, năm các họa sĩ và nhà lý luận cao niên đến tận tòa soạn, gặp Tổng biên tập đưa đơn kiện tôi, không phải vì tôi viết sai mà đơn giản vì tôi đã dám ca ngợi một người “có vấn đề”.
Nữ họa sĩ Đặng Thị Khuê trao đổi trong dự án "Đối thoại với đình làng". |
Câu chuyện của tôi hơi dài, chỉ vì tôi nghĩ mình ít nhiều cũng là người được chứng kiến thời kỳ đổi mới của mỹ thuật từ những ngày đầu, với tư cách một phóng viên. Giờ nói về thời ấy, chưa lâu lắm, mà đã thấy sai khác không ít rồi. Nói những chuyện ấy, để nói về vai trò của một phụ nữ, họa sĩ Đặng Thị Khuê.
Người ta tính sự nghiệp đổi mới đất nước, trong đó có đổi mới văn hóa văn nghệ, chính thức bắt đầu năm 1986 và cao trào là năm 1989. Nhưng những người theo dõi nền mỹ thuật thời kỳ đó đều cho rằng sự đổi mới trong mỹ thuật đã bắt đầu ngay sau khi Đại hội Hội Mỹ thuật (năm 1983), bầu ra được một Ban Chấp hành mới và đổi tên thành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, chia ra thành các ngành và các ban.
Ban Sáng tác do họa sĩ Đặng Thị Khuê đứng đầu là ban sôi động nhất. Rất nhiều thay đổi nhanh chóng đã diễn ra ngay trong năm đầu tiên này. Hai triển lãm cá nhân Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái, năm 1984, là những sự kiện có sức lay động không chỉ trong giới mỹ thuật, còn vang ra toàn bộ giới văn nghệ cả nước.
Tác phẩm "Giặc Mỹ" của họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Họa sĩ Đặng Thị Khuê rất trẻ so với tuổi của bà. “Chị vừa sinh nhật 70 tuổi”, bà nói với tôi. Đã rất lâu tôi không gặp, tóc bà vẫn đen và dầy, cắt ngắn như 30 năm trước, vẫn nói rất nhanh và nói nhiều. Chúng tôi nhắc lại quãng thời gian đó, những năm từ 1984 về sau của mỹ thuật.
“Chỉ có sáu, bảy năm thôi, nhưng là thời điểm chuyển đoạn của nghệ thuật và tư duy xã hội, nên nó chứa đựng tất thảy mọi khó khăn, vật vã của sự sinh nở cái mới…”. Đặng Thị Khuê nói: “Ngày nay chúng ta nhắc đến hai từ “Đổi mới” một cách dễ dàng, như nó là đương nhiên, nhưng ngày đó đâu có vậy. Đối diện với chính mình, với cái cũ trong ta và trong đồng chí thì không mấy dễ dàng…Tất nhiên lúc ấy tôi là cá lẻ và tôi buộc phải cầm cờ”.
Việc của Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình (NSTH), kiêm Trưởng ban Sáng tác Đặng Thị Khuê, như lúc đó bà thấy cần phải thế, là công bố và xã hội hóa những sản phẩm trí tuệ của các họa sĩ tài danh lớp trước. Cũng có nghĩa là phá bỏ sự độc quyền của giá trị mô phỏng mà cả một thời gian dài gọi là hiện thực. Cũng có nghĩa là làm sáng lên tên tuổi của những Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, những tài danh và những nghệ sĩ “có vấn đề”.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
“Với nghệ sĩ trẻ, chúng tôi cần được thấy sự công bằng trong đánh giá. Sống đúng với mình, bằng nhãn thức của riêng mình, cũng là biểu hiện của sự tự tin và nhân cách. Đặt những nghệ sĩ ấy vào hoàn cảnh trước đây mới thấy được bản lĩnh, lòng tự trọng và tình yêu của một thế hệ nghệ sĩ dành cho chính mình, cho cuộc đời và nghệ thuật”. Đổi mới đầu tiên phải bắt đầu với việc tôn trọng những giá trị thật.
Nguyễn Sáng, người họa sĩ tài danh mà bà thân thiết nhất, sẽ làm triển lãm đầu tiên. Bởi sau triển lãm, họa sĩ sẽ quay lại miền Nam, nơi ông đã sinh ra, sau 40 năm sống trên đất Bắc.
Thời điểm mà triển lãm của Nguyễn Sáng được mở ra cũng là thời điểm mà triển lãm cá nhân còn đồng nghĩa với chủ nghĩa cá nhân. Chỉ từng có triển lãm cá nhân của cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh và của họa sĩ Trần Văn Cẩn, Chủ tịch Hội NSTH. Triển lãm cá nhân rõ ràng chưa có tiền lệ.
Góc trải nghiệm nghệ thuật dành cho người xem, tác phẩm của họa sĩ Đặng Thị Khuê năm 2013. |
Hội NSTH đã huy động lực lượng đi tìm tranh, ở nhà Nguyễn Sáng chỉ còn có mỗi một bức ông vẽ người vợ đã mất. May lượng lớn tranh của ông vẫn còn trong sưu tập tư nhân Đức Minh. Bà Khuê kể: “Cả một không khí hiếm có cho sự kiện ban đầu ấy. Tôi quyết tìm được tranh của Nguyễn Sáng, những bức họa tuyệt vời của ông, để bày trong không gian lớn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Hết sức vất vả, nhưng cũng xong, tôi mừng vô cùng, tôi nói với ông: “Anh yên tâm, mọi việc xong rồi, chỉ còn cắt băng khai mạc”. Nhưng ông rất rầu rĩ, ông bảo tôi: “Chưa đâu Khuê ơi, anh người Nam ra Bắc sống nhờ đất Bắc, được học hành; nhưng sau cuộc này anh phải trở về Nam sống nhờ chú em. Vợ anh mất không con cái. Lúc mừng vui cũng là lúc sắp chia ly, giã từ đất Bắc anh muốn có một người đàn bà đứng cạnh anh. Vậy em nhớ mặc cho anh chiếc áo dài và đứng cạnh anh lúc khai mạc…”.
Đó giống như một mệnh lệnh, xót xa và quả quyết. Nhà báo Phạm Phú Bằng, người có mặt trong buổi nói chuyện ấy kể lại. Chiếc áo dài cũng lại là một câu chuyện chưa có tiền lệ.
Đặng Thị Khuê để sẵn chiếc áo dài trong túi, đến triển lãm, chỉ mong Nguyễn Sáng quên đi điều ông yêu cầu. Nhưng đến cổng bảo tàng thì đã nghe mọi người bảo ông đang gọi, vậy là ông không quên. Bà vào nhà vệ sinh thay áo, rồi ra, không dám nhìn ai.
Một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của họa sĩ Đặng Thị Khuê. |
Năm ấy Đặng Thị Khuê chưa đến 40 tuổi, so với các họa sĩ đàn anh tuổi trên 70, bà chỉ là cô bé. Mãi mới dám nhìn mọi người, bà thấy Nguyễn Tuân mỉm cười, rồi họa sĩ Bùi Xuân Phái và Dương Bích Liên lẳng lặng đến khoác tay bà. Một khích lệ âm thầm.
Nguyễn Sáng đợi bà đến bên, và dõng dạc nói lời khai mạc. “Ông mặc chiếc sơ mi trắng ngắn cũn cỡn. Nhưng ông mạnh mẽ và đàn ông khiến tôi thấy nhỏ bé và an tâm khi đứng cạnh ông”.
Chiếc áo dài ấy là một thái độ, nó đem lại những lời chỉ trích ngay trong lễ khai mạc ấy. Như những lời răn đe trước đó “cô có biết Nguyễn Sáng là ai không?”. Nhưng với Đặng Thị Khuê, bà an tâm. An tâm suốt cả cuộc đời. Chiếc áo dài ấy, bà vẫn giữ như một kỷ niệm, cho những triển lãm cá nhân về sau, của chính mình.
Vào năm 1984, triển lãm cá nhân của Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái được coi là hai ngọn cờ của Đổi mới. Những năm sau đó, quyền sáng tác và công bố tác phẩm của họa sĩ nở rộ. Các danh họa Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái… (huân chương Hồ Chí Minh đợt 1), là những tên tuổi chói sáng nhất của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, không ai có thể phủ nhận điều đó.
Đặng Thị Khuê, từng là UV Thường trực Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình (NSTH) Việt Nam, Chánh văn phòng Hội, Đại biểu QH khóa 7, đã rời Hội NSTH năm 1989, chuyên tâm sáng tác, và là nữ nghệ sĩ đổi mới hàng đầu trong mỹ thuật đương đại với những tác phẩm installation. Ba mươi năm sau, người ta hầu như quên tên bà trong những cuộc hội thảo về Đổi mới.
Nhưng những người đã biết, đã viết trong những ngày ấy, như tôi, thì vẫn nhớ.
Họa sĩ Đặng Thị Khuê: “rùng mình” trưởng thành để bảo vệ con người và niềm tin nghệ thuật
Với họa sĩ Đặng Thị Khuê, bà “rùng mình” trưởng thành bởi trước hết là để bảo vệ con người, sau đó là bảo vệ niềm tin vào nghệ thuật.