Chuyên gia cảnh báo: người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lý sau khi điều trị COVID-19

Trước số lượng người mắc COVID-19 nặng đang có xu hướng tăng, chuyên gia cảnh báo người cao tuổi và người thân không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch

Trong những ngày đầu tháng 8/2022, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước ta đang có xu hướng tăng nhanh, trung bình hơn 3 nghìn ca/ngày. Điều đáng lo ngại khi số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng phải nhập viện cũng có xu hướng tăng lên tại nhiều cơ sở điều trị. Phần lớn họ là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền.

Người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lý sau khi điều trị COVID-19. Ảnh: phunuvietnam.vn
Người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lý sau khi điều trị COVID-19. Ảnh: phunuvietnam.vn

Theo chia sẻ của ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà, Phó trưởng Khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều nghiên cứu cho thấy người cao tuổi có 3 bệnh nền trở lên có nguy cơ nhập viện gấp 5 lần so với người không mắc bệnh, độ tuổi càng cao thì tỉ lệ nhập viện và tử vong càng lớn. Trường hợp nhiễm COVID-19, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính sẽ có nguy cơ tăng tỉ lệ diễn tiến nặng, nhập viện và tử vong do tuổi cao và nhiều bệnh nền (như hen, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh tim mạch, tiền căn đột quỵ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD))

Trong quá trình điều trị COVID-19, việc sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, thở oxy dòng cao… có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh mạn tính trên người bệnh cao tuổi.

Sau khi nhiễm COVID-19, người cao tuổi có thể bị tổn thương cơ quan dẫn đến bệnh thận mạn, xơ phổi do thở oxy, suy tim… các biến chứng do bệnh nền hoặc hội chứng hậu COVID-19 kéo dài.

Đặc biệt, người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và lo âu do những di chứng tâm lí khi vào sống ở khu cách ly, phải điều trị thở máy hoặc mất mát người thân, thiếu người chăm sóc.

Do đó, ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà khuyến cáo, trong tình hình dịch bệnh đang có xu hướng tăng trở lại, người cao tuổi và người thân không nên lơ là các biện pháp phòng chống dịch, như:

- Tiêm vaccine ngừa COVID-19 theo đủ số lượng khuyến cáo;

- Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Thường xuyên vệ sinh, khử trùng nhà cửa, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa.

Bên cạnh đó, người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được ngưng thuốc đột ngột và phải tái khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe.

Người bệnh và người nhà cần hiểu biết rõ về các bệnh lý người bệnh mắc phải, biết được các dấu hiệu bệnh trở nặng cũng như trường hợp cần phải đến khám và nhập viện kịp thời.

Ngoài ra, việc động viên, hỗ trợ tâm lý cùng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt tại nhà cũng cần được quan tâm đúng mực để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh cao tuổi, giúp người bệnh phối hợp tốt trong điều trị cũng như chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình.

Mai Anh (t/h)

Nghiên cứu mới: Kháng thể ở người cao tuổi giảm mạnh sau nửa năm tiêm vaccine Pfizer

Nghiên cứu mới: Kháng thể ở người cao tuổi giảm mạnh sau nửa năm tiêm vaccine Pfizer

Nhóm tác giả đánh giá phản ứng kháng thể, chức năng của tế bào T sau 6 tháng tiêm vaccine Pfizer.