Trong buổi Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong thực hành lâm sàng, chiều 30/7, bác sĩ Bùi Vũ Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện đại học Y Hà Nội nhận định có 3 thách thức quan trọng đối với làn sóng Covid-19 mới ở Việt Nam.
"Làn sóng Covid-19 thứ hai ở Việt Nam lần này nguy hiểm hơn rất nhiều so với lần trước, có rất nhiều thách thức đặt ra", bác sĩ Bình nói.
Đầu tiên là nCoV lây nhiễm ở Đà Nẵng thuộc chủng mới dễ lây lan hơn, mức độ nguy hiểm cao hơn. Ca nhiễm ở nhiều độ tuổi khác nhau, thậm chí có người sức khỏe tốt, có thói quen đi lại nhiều sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh.
Thứ hai là khó xác định được nguồn lây F0 để khoanh vùng, dập dịch hiệu quả. Những ca nhiễm đầu tiên bùng phát vào đúng đợt du lịch có nhiều người di chuyển.
Về việc tại sao không phong tỏa Đà Nẵng, bác sĩ Bình cho rằng việc này khó thực hiện vì có việc người dân di chuyển ra vào Đà Nẵng từ nhiều đường khác nhau. Nếu tất cả số người nhiễm Covid-19 ở lại Đà Nẵng điều trị sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của thành phố này.
Tuy nhiên nếu không phong tỏa Đà Nẵng có thể sẽ khiến nguy cơ lây lan nhanh từ những người trở về từ Đà Nẵng. Trong bối cảnh nhiều địa phương nguồn lực y tế chưa được cải thiện thì đây là một khó khăn lớn, dễ gây bùng phát dịch.
Thứ ba là tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 rất cao. Bác sĩ Bình nhấn mạnh đây là điều nguy hiểm.
Hiện 4 nhân viên y tế của Đà Nẵng nhiễm bệnh, nguy cơ cao lây nhiễm cho nhau và cho những người khác, lây nhiễm bệnh nhân, những người sức đề kháng yếu, người nhà bệnh nhân... Vì vậy cần phải bảo vệ lực lượng nhân viên y tế nếu muốn chống dịch thành công.
Với các bệnh viện, cần tăng cường năng lực hệ thống y tế, tăng cường bảo hộ nhân viên y tế, thực hiện biện pháp chống dịch một cách khoa học.
Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các thông tin sai sự thật gây hoang mang, bản thân người dân cũng cần đọc tin tức từ các nguồn chính thống.
Bệnh viện cần khuyến cáo người ra vào đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tổ chức sàng lọc phân luồng tốt, quản lý an toàn người bệnh và người nhà. Đặc biệt là cần quản lý nguy cơ của nhân viên thuê ngoài như: nhân viên nhà ăn, nhân viên bảo vệ, sửa chữa điều hòa, nhân viên vận chuyển chất thải y tế và các dịch vụ khác..
"Thời gian 99 ngày không có ca lây nhiễm, người dân, chính quyền khá chủ quan", bác sĩ Bình nói.
Sau đợt một chống dịch tương đối thành công, Việt Nam mở cửa du lịch, sinh hoạt người dân tương đối bình thường. Việc chủ động phòng ngừa, cảnh giác, chưa thực sự hiệu quả.
Chứng khoán sáng 30/7: Thị trường giao dịch trầm lắng
Trong phiên sáng nay 30/7, nhiều nhà đầu tư sợ rơi vào mẫu tăng giá (bulltrap) chọn cách đứng ngoài quan sát, chưa vội xuống tiền.