Chuyện tình hiếm có công chúa Phụng Dương: Thanh xuân nhẫn nhịn bao dung thê thiếp của chồng, cuối đời mới có được chân tình

Xinh đẹp, thông minh, thấu cảm và biết đối nhân xử thế, nhưng công chúa Phụng Dương vẫn chẳng thể nào có được một tình yêu trọn vẹn.

Dường như hạnh phúc của một người phụ nữ theo lẽ thường chính là gả cho một người chồng tốt và nuôi dạy được những đứa con xinh đẹp, tài giỏi. Đặc biệt là phụ nữ thời xưa, chuyện "tam tòng tứ đức" càng được coi trọng. Phụng Dương công chúa là một điển hình đầy đủ về công dung ngôn hạnh thời nhà Trần, tuy nhiên điều đó có lẽ chẳng liên quan đến việc nàng có tìm được tình yêu và hạnh phúc hay không.

Sử sách có chép lại, ngay cả phu quân của công chúa Phụng Dương là Thái sư Trần Quang Khải cũng nhận xét nàng rằng: "Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử". Tuy nhiên, đằng sau những lời có cánh ấy, là cả chuỗi ngày cô độc chẳng thể bày tỏ cùng ai.

Con nuôi của vua Trần Thái Tông

Phụng Dương công chúa (1244 - 1291) là một nữ quý tộc và cũng là một nàng công chúa của nhà Trần. Theo sử sách, Phụng Dương có cha là Tướng quốc Thái sư Trần Thủ Độ, mẹ là phu nhân Tuệ Chân. 

Ngay từ khi còn bé, Phụng Dương được khen hiền hậu và thông minh, vua Thái Tông yêu quý lắm, bèn nhận làm con nuôi. Đến khi gả cho Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, vua xuống chiếu ban cho xe và quần áo theo như con gái vua. Đó cũng là nghi thức khi công chúa đi lấy chồng.

Trong tài liệu Tìm hiểu tấm bia thời Trần về công chúa Phụng Dương của Lê Tư Lành đã ghi lại hết thảy những đức hạnh của Phụng Dương công chúa.

Công chúa Phụng Dương. Ảnh minh hoạ: Pinterest
Công chúa Phụng Dương. Ảnh minh hoạ: Pinterest

Khi cha ốm, Phụng Dương chăm nom thuốc thang, phụng dưỡng cơm cháo suốt một năm trời đến nỗi nằm không yên giấc. Công chúa tất bật hầu hạ cha khi đau yếu. Đến khi Tướng quốc Thái sư mất, công chúa xót thương đau đớn, người gầy đi đến nỗi "người trong nước trông thấy không ai cầm được nước mắt". Ấy là công chúa giữ lễ khi cư tang.

Phu nhân Tuệ Chân ở góa hơn 20 năm, công chúa cũng sớm hôm vấn an, đích thân hầu hạ cơm nước, không chút trễ nải. Công chúa không dám tự coi mình lá ngọc cành vàng mà ra vẻ, đó là một lòng hiếu thảo. Đến khi phu nhân Tuệ Chân mất, sản nghiệp cha mẹ để lại, công chúa cũng chia đều cho anh em, đồng thời dốc gia sản để bố thí và cúng Phật. 

Với tấm lòng thiện lương, Phụng Dương công chúa đem của cải để cầu phúc cho cha mẹ, với kẻ đói thì cho ăn, kẻ rét thì cho mặc. Đầy đủ tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh" đều hội tụ ở nàng công chúa chu đáo, luôn biết ơn đời trước như Phụng Dương. 

Mối tình với Chiêu Minh vương

Chiêu Minh vương là một kỳ tài, một danh tướng và cũng là một nhà thơ tài năng thời Trần. Đại Việt sử ký toàn thư có chép, Trần Quang Khải lúc mới sinh, phát chứng kinh suýt chết, vua Thái Tông lấy áo của Thượng hoàng và thanh gươm báu truyền quốc để bên cạnh rồi bảo: "Nếu sống lại, sẽ ban cho những thứ này". Đến khi Quang Khải sống lại, vua Thái Tông nói: "Gươm báu truyền quốc, không thể trao bừa, chỉ ban cho áo của Thượng hoàng thôi". 

Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quang Khải "có học thức, đức trạch sâu dày", vốn có tư chất thông minh lại ham học hỏi. Quang Khải được theo thầy là Bảng nhãn Lê Văn Hưu dẫn dắt nên ông cũng sớm trở thành danh tướng văn võ song toàn.

Nhờ tài thao lược của mình, Trần Quang Khải được vua Trần yêu mến. Ngày 11 tháng 11 năm 1258, Trần Quang Khải được phong làm Chiêu Minh đại vương. Cũng trong năm đó, ông được gả Phụng Dương công chúa, ban cho thái ấp ở phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay). Năm 1261, vua Trần Thánh Tông phong Trần Quang Khải làm Thái uý, đến năm 1265 phong ông làm Thượng tướng, vào trấn thủ vùng Nghệ An. Sang đầu năm 1271, ông được làm Tướng quốc Thái uý, đến năm 1282 dưới triều Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải được cử làm Thượng tướng Thái sư, nắm giữ quyền nội chính.

Đến khi gả cho Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Phụng Dương công chúa cũng một mực vẹn tròn đạo nghĩa làm vợ. Khi ấy, mặc dù là chính thất, nhưng Chiêu Minh vương lại mải say đắm thiếp thất mà chẳng đoái hoài gì đến Phụng Dương. Thương con gái, lúc đó Tướng quốc và phu nhân Tuệ Chân muốn lên tiếng không cho Thái sư làm theo ý mình, bỏ mặc con gái như vậy. Công chúa cho là không nên, thưa với cha mẹ rằng: "Con đã về làm vợ Thái sư, được hoà hợp hay không là do mệnh mà thôi. Ý của cha mẹ con cái cố nhiên không được cưỡng lại, nhưng còn cái nghĩa lớn phải theo chồng thì làm thế nào?" -  trong Văn bia thờ công chúa Phụng Dương có ghi lại như vậy.

Phụng Dương công chúa không ghen ghét mà đối với thiếp thất của chồng một lòng khoan thứ. Nếu có người làm cho Thái sư tức giận la mắng, Phụng Dương công chúa cũng nhẹ nhàng khuyên giải khiến họ không phàn nàn. Người vợ đoan chính, công bằng như vậy thời xưa mấy ai làm được.

Ảnh minh hoạ Phụng Dương công chúa. Ảnh: Ấm Chè (Phan Thanh Nam)
Ảnh minh hoạ Phụng Dương công chúa. Ảnh: Ấm Chè (Phan Thanh Nam)

Nắm giữ vai trò Tướng quốc, công việc bận rộn, không có thời gian nhìn đến việc nhà, ông uỷ thác hết cho Phụng Dương lo liệu. Từ người già đến trẻ, từ người trên xuống dưới, đều một tay Phụng Dương sắp xếp. Mọi việc công chúa nắm "tay hòm chìa khoá" đều khiến Thái sư vừa lòng.

Bên cạnh đó, công chúa cũng thành thạo nội trợ, "kim chỉ vá may, muối mơ nấu nướng" càng giỏi. Đối với người dưới, Phụng Dương chẳng bao giờ to tiếng, chỉ sai bảo bằng nét mặt. Nếu kẻ nào nỡ lấy trộm, công chúa nhẹ nhàng truy hỏi mà không nỡ để lộ mặt xấu xa của kẻ tiểu nhân. Với đám nô tỳ, công chúa cũng thường thăm hỏi, an ủi không dùng đòn roi hay sự kiêu ngạo để đối xử, cho nên người dưới đều nể phục lòng bao dung và khoan thứ của công chúa. 

Công chúa là người hiểu chuyện và thông tuệ. Đến việc Thái sư khen thưởng nhân vật trong triều, công chúa cũng chưa từng tự tiện xen vào, nàng tự coi đó không phải phận sự của hậu viện. 

Nhưng dẫu có tấm lòng trung trinh và hiền lương thục đức như thế, Phụng Dương vẫn chẳng thể nào nắm được trái tim của Trần Quang Khải, cho đến một biến cố xảy ra.

Cả đời chua xót đổi lại cái ngoái đầu của người thương

Chuyện kể rằng, vào mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên sang cướp nước Nam, Thái sư xuống thuyền lánh giặc. Nửa đêm có chiếc thuyền bốc cháy, lúc đó Thái sư đang ngủ, công chúa tưởng giặc đến, khẽ đánh thức Thái sư dậy, đưa cho ngài chiếc mộc, rồi lấy thân mình che cho chồng. 

Khoảnh khắc ấy khiến một nhà quân sự lão luyện như Trần Quang Khải cũng phải động lòng. Từ sự ngạc nhiên ấy, Thái sư đã thấy được sự dũng cảm của một người vợ chân yếu tay mềm, không ngại binh đao nguy hiểm mà hết lòng bảo vệ chồng - người mà nàng chưa chạm được đến sâu thẳm trái tim.

Nhìn lại để thấy, suốt bao năm về làm dâu, gánh trên vai việc lớn nhỏ trong phủ, Phụng Dương vẫn một lòng bác ái, không phân biệt con vợ chính hay thiếp thất. Hễ ai làm được điều lành điều tốt, dù nhỏ cũng khen trước mặt Thái sư, ai làm điều xấu dù nhỏ cũng đều răn dạy công bằng, liêm chính. Sự khoan thứ của nàng tựa như tấm lòng của bậc quân tử thời xưa. Ngay cả đến họ hàng nội ngoại, công chúa đều ứng xử khéo léo, thân yêu như nhau. Người không có tài công chúa thà cho tiền của chứ không dám trao trọng trách, đó là công chúa không có lòng riêng.

Từ phút giây nàng che mình bảo vệ chồng, Thái sư dường như "bừng tỉnh" ngoái nhìn lại người vợ mình đã kết tóc se duyên bao nhiêu năm. Cùng nhau đi qua bao thăng trầm, dù thời gian dài không thể trọn tình với nàng, nhưng nàng luôn trọn nghĩa của một người vợ nhà tướng đức độ. Những năm về sau, tình yêu của Thái sư với Phụng Dương mới tìm thấy chút ngọt ngào.

Ngay cả khi ốm nặng, công chúa có với Thái sư 7 người con, mà cũng không hỏi gì đến con cháu, chỉ một lòng yêu thương, lo nghĩ cho chồng. Cả một đời hết lòng hy sinh, sống trọn tình yêu với Trần Quang Khải, Thái sư đã viết thư đặt vào tay công chúa nói 9 chữ: "Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa". 

Ảnh minh hoạ: Ấm Chè (Phan Thanh Nam)
Ảnh minh hoạ: Ấm Chè (Phan Thanh Nam)

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy chú, Trần Quang Khải có tài ngoại giao xuất sắc: "Ông nghe rộng, biết nhiều, hiểu các tiếng người nước Phiên. Mỗi khi sứ sang, ông được chọn vào thủ tiếp". Chẳng thế mà khi nhà Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt, chúng cho sứ thần sang sách nhiễu. Trần Quang Khải được cử tiếp đón. Trước đám sứ thần ngạo mạn và hách dịch, Chiêu Minh vương với thái độ ứng xử mềm dẻo, khéo léo đã từng bước bác bỏ giọng điệu ngang ngược, yêu sách vô lý và không cho chúng tìm cớ bắt bẻ Đại Việt.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Trần Quang Khải đã có công lớn trong trận chiến phòng thủ Nghệ An và đánh tan quân Nguyên tại Chương Dương độ. Đầu năm 1285, quân Nguyên tràn sang xâm lược với sức tấn công ác liệt, nhà Trần khi ấy đã thực hiện chiến lược quân sự "Vườn không nhà trống". Sau hai lần đánh bại quân Nguyên tại Hàm Tử và Chương Dương, khí thế quân nhà Trần áp đảo, đánh thắng liên tiếp nhiều trận, giết chết các tướng Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán và đuổi được Thoát Hoan về Trung Quốc. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba (1288), Thái sư Trần Quang Khải theo hầu Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Ông vừa bảo vệ Thượng hoàng và vua, vừa tham mưu chỉ huy kế hoạch chống giặc. Ông cũng cầm quân góp nhiều công sức trong trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 đưa tới đại chiến thắng trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông.

Chiêu Minh vương Trần Quang Khải còn được biết đến là một nhà thơ thú vị, để lại dấu ấn nhất định trong nền văn học Việt Nam. Theo nhận định của sử gia Phan Huy Chú, thơ Trần Quang Khải "thanh thoát, nhàn nhã", "sâu xa, lý thú". Chất thơ của Trần Quang Khải mộc mạc, thân thuộc những hình ảnh quê hương, giàu tình yêu đất nước.

Vài câu thơ nổi tiếng được biết đến của Thái sư đó là khi chiến thắng quân Nguyên Mông, khi vua Trần ca khúc khải hoàn về kinh sư, Trần Quang Khải đã viết:

"Bến Chương Dương đoạt giáo

Cửa Hàm Tử bắt thù

Thái bình nên gắng sức 

Non nước này muôn thu."

Lúc sinh thời vua Trần có ca ngợi Trần Quang Khải như sau: 

"Công danh một thuở còn bao kẻ,

Trung hiếu hai triều chỉ một ông."

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đời Nguyễn sau này cũng đánh giá về Trần Quang Khải: "Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn".

MINH DƯƠNG

Chương trình văn hóa nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan sẽ được tổ chức trang trọng tại Núi Bà, Tây Ninh

Chương trình văn hóa nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan sẽ được tổ chức trang trọng tại Núi Bà, Tây Ninh

Rằm tháng 7 năm nay, núi Bà Đen, Tây Ninh sẽ là nơi để các Phật tử hướng tấm lòng hiếu nghĩa đến các bậc sinh thành, thông qua nhiều hoạt động, trải nghiệm văn hóa tâm linh ý nghĩa được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo mừng Lễ Vu Lan, từ ngày 26/8-03/9 (tức từ 11-19/7 âm lịch).