Có nên "Xé rào" nhận "đặt cọc" khi dự án chưa đủ pháp lý?

Những hành vi giao dịch như "đặt cọc", "hứa mua, hứa bán", "hợp tác đầu tư", "liên doanh liên kết", "hợp đồng góp vốn"… dẫn đến xuất hiện tình trạng bên bán, bên huy động vốn lợi dụng để nhận tiền "đặt cọc" có giá trị lớn khi dự án chưa đủ pháp lý...

Có nhiều dự án bất động sản dù chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhưng đã và đang được chủ đầu tư "bắt tay" với các sàn môi giới bất động sản quảng cáo, rao bán "lúa non" rầm rộ dưới nhiều hình thức như: "hợp đồng góp vốn", "hợp đồng đặt cọc", "giữ chỗ", "hợp đồng cho vay"… Thực trạng này làm "méo mó" thị trường bất động sản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng.

Khoảng tháng 6 năm nay, Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo kết quả, tình hình thực hiện quy định về thông báo nhà, ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. "Đối với việc ký kết hợp đồng đặt cọc mà không nhằm mục đích huy động vốn cho phát triển nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự", Bộ Xây dựng nêu.

Luật Dân sự 2015 quy định "Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim loại quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng". Tuy nhiên, lại không quy định trường hợp "đặt cọc" trong các giao dịch khác thì còn phải áp dụng theo quy định của pháp luật đó, như giao dịch bất động sản thì còn phải áp dụng theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Thông thường, sau khi nhận tiền đặt cọc của bên mua, theo một khoảng thời gian hai bên thỏa thuận, thường là trong vòng 1 tháng, bên bán sẽ ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở cho bên mua. Tuy nhiên, khi tới thời hạn giao kết, không ít người mua hoảng hốt bởi bị bên bán cắt đứt liên lạc, ôm tiền “biến mất” hoặc viện đủ lý do để không ký hợp đồng mua bán, không sang tên, không ra công chứng,…Có những trường hợp sau khi nhận cọc, phía công ty môi giới “biến mất” không rõ lý do, còn chủ nhà phủ nhận mối quan hệ giữa hai bên. Nếu căn cứ trên hợp đồng đặt cọc đã ký kết, chủ nhà không có trách nhiệm với khoản tiền đặt cọc của người mua. Trong trường hợp này, bên mua gần như mất trắng số tiền đặt cọc.

Về những bất cập trên, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu đề xuất bổ sung quy định về "đặt cọc" vào Luật Kinh doanh bất động sản. Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản có thể nhận tiền đặt cọc của khách hàng để bảo đảm giao kết hợp đồng kinh doanh bất động sản. Giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị bất động sản; Hình thức văn bản thỏa thuận đặt cọc do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự", ông Châu nêu.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý Đề cương Luật Kinh doanh bất động sản. Đáng chú ý, HoREA đề nghị bổ sung quy định quản lý hành vi giao dịch bất động sản, nhất là giao dịch "đặt cọc" xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản.

Tại nội dung góp ý, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhìn nhận, hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ điều chỉnh các hành vi giao dịch bất động sản kể từ thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản, nhưng chưa điều chỉnh các hành vi giao dịch bất động sản xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản.

Những hành vi giao dịch như "đặt cọc", "hứa mua, hứa bán", "hợp tác đầu tư", "liên doanh liên kết", "hợp đồng góp vốn"… dẫn đến xuất hiện tình trạng bên bán, bên huy động vốn lợi dụng để nhận tiền "đặt cọc" có giá trị lớn, có trường hợp nhận đến 90% giá trị nhà đất, thậm chí đã xảy ra lừa đảo. Trong khi, quy định hiện hành tại Khoản 1 Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định "việc thanh toán lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)