Có nhiều ngân hàng còn ghi nhận khoản lỗ nặng lên đến hơn 200 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - Mã: NVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận quý lỗ nặng nhất lịch sử.
Tính riêng trong quý IV, ngân hàng báo lỗ đến 203,2 tỷ đồng. So với khoản lỗ năm 2020 là 24,8 tỷ đồng, khoản lỗ này cao gấp 8 lần. Nguyên nhân là thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, sụt giảm mạnh 71,6% so với cùng kỳ xuống còn hơn 171 tỷ đồng. Trong khi tại quý III, thu nhập lãi thuần vẫn tăng 30,9% mang về 1.088 tỷ đồng cho NCB.
Tính trong cả năm 2021, NCB chỉ lãi 2,3 tỷ đồng mặc dù lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đã là hơn 205 tỷ. Có thể thấy tổng lợi nhuận của ba quý đầu năm cũng không thể bù đắp khoản lỗ này. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ghi nhận giảm 38,2% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2021, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh 105,2% lên 1.249 tỷ đồng, keo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% cuối năm trước lên 3%. Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng lên gấp 5,4 lần, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 3) tăng gần 9 lần so với con số cuối năm trước. Do đó, ngân hàng đã tăng gấp 10 lần chi phí trích lập dự phòng riêng trong quý IV/2021 và gấp 5 lần cả năm 2021 so với cùng kỳ. Điều này có tác động không nhỏ đến khoản lỗ của ngân hàng trong quý cuối cùng của năm.
Không chỉ NCB, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ trước thuế là 74 tỷ đồng.
Phía ngân hàng cho biết chuyển từ lãi ở báo cáo cùng kỳ năm trước sang lỗ ở kỳ này chủ yếu do tác động bất lợi của dịch COVID-19, đồng thời ngân hàng cũng thực hiện chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí,... cho khách hàng. Dù vậy, dễ thấy chi phí hoạt động tăng 33,9% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 33,6%, có giá trị lên đến 474 tỷ đồng cũng góp phần khiến ngân hàng này phải chịu khoản lỗ trước thuế trong quý IV/2021.
Thêm vào đó, lãi thuần hoạt động đầu tư chứng khoán quý IV của ngân hàng cũng giảm mạnh 92,3% từ 40 tỷ đồng xuống còn 3,1 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng mang về khoản lỗ cho ngân hàng. Từ đó khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm đến 66,5% so với cùng kỳ, xuống còn 53,5 tỷ đồng trong quý IV.
Dù vậy, lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 của ngân hàng vẫn tăng 54,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 311 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch năm. Kết quả này có được là nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong ba quý trước đó.
Bên cạnh các ngân hàng báo lỗ trong quý IV, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý này giảm so với cùng kỳ như PG Bank (giảm 29,2%) hay Bac A Bank (giảm 3%).
Một báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng khối tư nhân dự kiến có tốc độ tăng trưởng phục hồi dần về phía cuối năm, điểm rơi về lợi nhuận dự kiến là quý II và quý III năm 2022. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa, và độ biến động lớn theo quý. Cụ thể, nhóm chuyên gia kỳ vọng nhóm NHTM tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài và phí trả trước banca phân hóa, nhưng vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô vừa trở lên.