Concert BlackPink, “Những tấm vé đắt giá” và giấc mơ của giới trẻ

Nếu thế hệ trẻ đến những concert đẳng cấp thế giới, không có trải nghiệm và cảm xúc thực tế thì sao họ có thể ước mơ chạm vào nó một lần.

Dấu ấn văn hóa Hàn Quốc

Trong vòng một tháng vừa qua, Việt Nam đón chào hai nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng là Black Pink và Charlie Puth đến biểu diễn. Lần đầu tiên có những concert lớn tầm cỡ thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Nhưng dường như về mặt truyền thông và sức hút từ công chúng, những đại diện đến từ Hàn Quốc đang thực sự lấn át bạn bè nghệ sĩ phương Tây.

Một thập kỷ qua, văn hóa Hàn Quốc dường như đã thâm nhập vào đời sống xã hội người Việt hơn một cách nhanh chóng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ nhiều thập kỷ nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng loạt những bộ phim Hàn Quốc được chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình, các hàng quán, món ăn Hàn được mọc lên khắp nơi, giới trẻ phát cuồng vì các “idol” và âm nhạc K-Pop…

Công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc hồi sinh mô hình boyband, girlband tưởng như đã lỗi thời.
Công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc hồi sinh mô hình boyband, girlband tưởng như đã lỗi thời.

Nhìn lại bối cảnh âm nhạc phương Tây thời điểm Hàn Quốc bắt đầu chiến lược xuất khẩu văn hóa từ đầu những năm 2000. Âm nhạc Mỹ đã chuyển hướng từ nhạc Pop vui tươi sang thể loại nhạc gai góc hơn.

Sau sự cố 11/9, người Mỹ cần thể loại nhạc nhiều tính giận dữ phản kháng của rock để sôi sục tâm thế trả thù những kẻ gây ra sự cố tang thương này. Nhưng phần còn lại của thế giới vẫn cần âm nhạc nhiều tính giải trí.

Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã vô cùng nhanh nhạy và kịp thời đón lấy những gì mà nền âm nhạc Mỹ tạm thời lãng quên. Đó là Pop dance, R&B. Đó là mô hình boyband, girlband tưởng chừng đã lỗi thời. Hàn Quốc đã hồi sinh và tái sử dụng nó. Và hiện nay chúng ta có Black Pink và BTS là boyband, girlband thành công nhất trên thế giới.

Nhờ những ca khúc giàu tính nhạc, những câu “quotes” gây nghiện được hát bằng tiếng Anh lặp đi lặp lại trong những bản nhạc tiếng Hàn “thao túng” tâm trí người nghe một cách vô thức. Với những MV định dạng chuẩn HD, mang chiến lược toàn cầu từ cách thể hiện đến không khí, màu sắc rực rỡ, vui tươi với những vũ điệu gợi cảm rất phương Tây. Những câu chuyện nhẹ nhàng, vui tươi, mang tính phổ cập cao chứ không tập trung cho giới hàn lâm là một nước cờ “tuy dễ mà khó” được các bạn Hàn Quốc sử dụng thành công.

Sau những thăm dò thị trường mang tính chất “trước lạ sau quen”, thế hệ Kpop đời đầu với những Big Bang, Wonder Girl, Super Junior, SNSD đã có những bước đi khó khăn khi chỉ có thể chen chân vào những vị trí gần đáy của bảng xếp hạng Billboard Hoa Kỳ. Nhưng sự kiên trì của bộ tập đoàn “Big 4”, gồm HYBE, SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment, họ tiếp tục tạo ra dàn nghệ sĩ Kpop thế hệ hai, những Black Pink, BTS, Momoland, Brave Girls tiếp tục nâng hạng vị thế của Kpop trên bản đồ âm nhạc thế giới sau cú huých Gangnam Style.

Trong khi ở mảng điện ảnh không có nhiều sản phẩm giải trí lan tỏa mạnh mẽ toàn cầu như Gangnam Style, nhưng nhờ những bước đi bền bỉ chắc chắn, điện ảnh Hàn Quốc đã chạm đỉnh cao vinh quang nhất khiến cả châu Á phải tự hào. Từ năm 2000, Hàn Quốc đã có những chiến lược chinh phục đấu trường quốc tế một cách bài bản và nghiêm túc với những giải thưởng tầm cỡ thế giới như Oscar (Phim Parasite), hay Cannes (Phim Decision to leave), cùng nhiều giải thưởng danh giá khác…

Điện ảnh Hàn Quốc cũng đạt được thành tựu riêng
Điện ảnh Hàn Quốc cũng đạt được thành tựu riêng

Đó là những thành quả tạo nên nhờ vào sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tạo ra những tác phẩm chỉn chu và chất lượng. Dù là phim truyền hình, điện ảnh, thể loại phim kinh dị, điều tra phá án, kinh tế, chính trị, cổ trang, hay ngôn tình… điện ảnh Hàn Quốc vẫn có những chiến lược bài bản để tạo ra một sản phẩm đáp ứng được cả về nghệ thuật và thương mai, phổ cập đại chúng và gây tiếng vang toàn cầu. Đặc biệt hơn cả, người Hàn Quốc vẫn luôn tìm cách lưu giữ màu sắc văn hóa riêng của mình trong câu chuyện quốc tế ở những tác phẩm “đem chuông đi đành xứ người”.

Những người đứng đầu của địa hạt văn hóa giải trí của Hàn Quốc sớm nhận ra những quyền lực mềm của ngành giải trí là “vô giá về mặt thương hiệu”. “Quyền lực mềm” có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, mở cửa thị trường. Xây dựng thương hiệu thay đổi cách mọi người nghĩ về bạn. K-pop, phim ảnh và chương trình truyền hình thực sự đã làm cho Hàn Quốc trở nên thú vị hơn với công chúng toàn cầu”, Economist nhận xét. “Xây dựng quyền lực mềm rõ ràng là một ngành kinh doanh lớn của Hàn Quốc”.

Hiểu rõ được ý nghĩa quan trọng của ngành công nghiệp giải trí, chính phủ Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ các tài năng sáng tạo nghệ thuật.

BlackPink được chọn làm đại sứ quảng bá cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021 (Ảnh:YG ENTERTAINMENT)
BlackPink được chọn làm đại sứ quảng bá cho Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) năm 2021 (Ảnh:YG ENTERTAINMENT)

Chính phủ Hàn Quốc đã tận dụng mức độ nổi tiếng của các ngôi sao giải trí để thúc đẩy chương trình nghị sự. Nghệ sĩ cũng trở thành cầu nối để người hâm mộ nước ngoài tiếp xúc văn hóa Hàn Quốc. Các ngôi sao đôi khi thưởng thức các món ăn hay dùng những nhạc cụ, quần áo truyền thống khi biểu diễn và trong cuộc sống hàng ngày, từ đó thu hút người hâm mộ tìm hiểu và sử dụng theo.

Nền giải trí cũng giúp kích cầu du lịch. Một cuộc khảo sát năm 2019 từ Tổ chức Du lịch Hàn Quốc ghi nhận lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc liên quan đến Hallyu chiếm khoảng 7,4% con số tổng, tương đương hơn một triệu khách. Họ tiêu khoảng hơn 1,1 triệu USD ở nước này, trong đó có chi phí mua các sản phẩm liên quan đến nghệ sĩ.

Tất nhiên, con đường của ngành công nghiệp Hàn quốc hiện nay vẫn chưa thực sự chạm tới đỉnh cao, các nghệ sĩ xứ sở Kim Chi có lẽ cần thêm những giải thưởng lớn mang tầm vóc nghệ thuật để có được sự công nhận đích đáng hơn là một ngành công nghiệp thuần giải trí như hiện tại. Tuy nhiên, bấy nhiêu những thành công đã khiến cho một Hàn Quốc non trẻ thực sự “đi sau về trước” trên đấu trường giải trí quốc tế.

Giấc mơ của giới trẻ

Những ngày cuối tháng 7, hàng chục nghìn khán giả đổ về SVĐ Mỹ Đình để lần đầu được ngắm nhìn 4 cô gái của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink ngay tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là trào lưu lãng phí, thậm chí “vô tri” của giới trẻ, việc xem một concert với giá vài triệu đến hàng chục triệu đồng thực sự là một trò “a dua” vô bổ, không cần thiết.

Concert BornPink tại Sân Mỹ Đình, Hà Nội.
Concert BornPink tại Sân Mỹ Đình, Hà Nội.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc giới trẻ phát cuồng vì một nhóm nhạc ngoại lai nào đó mà quên đi các vấn đề xã hội đại sự của Tổ quốc. Hàng loạt các “sự cố” liên tiếp xảy ra tưởng như liveshow của 4 cô gái nổi tiếng nhất Hàn Quốc phải hủy bỏ giữa chừng. May thay, với sự chung tay của rất nhiều đơn vị chức năng, đêm nhạc vẫn được diễn ra với sự vỡ òa cảm xúc của hàng chục nghìn khán giả trên sân.

Như Madonna đã từng nói “Hãy xem show ca nhạc của tôi đã rồi hãy phán xét tôi. Show của tôi đặt ra câu hỏi, khơi gợi suy nghĩ, mang đến cho bạn một hành trình đầy cảm xúc. Mô tả cái tốt cái xấu, ánh sáng và bóng tối, niềm vui và nỗi buồn, sự chuộc lỗi và cứu rỗi”.

Concert BlackPink, “Những tấm vé đắt giá” và giấc mơ của giới trẻ

Và đó là bí quyết để các concert của Madonna đã vẫn luôn cháy vé từ cuối những thập niên 80 cho đến nay. Hay là điệu nhảy “moon walk” nếu không có ông vua nhạc Pop Michael Jackson đưa lên sân khấu biểu diễn thì cũng mãi mãi chỉ là điệu nhảy đường phố của các bé trai da màu trong các khu ổ chuột Hoa Kỳ?!

Nếu thế hệ trẻ của chúng ta đến với những concert đẳng cấp thế giới, không có trải nghiệm và những cảm xúc thực tế, hòa mình vào không khí nghệ thuật ấy, thì sao họ có thể có ước mơ chạm vào nó một lần.

Hay như một khán giả trên mạng xã hội than thở: “Chúng ta phải tha hương ra nước ngoài thưởng thức concert nhiều năm nay cũng mệt quá rồi, chúng tôi mong muốn được thưởng thức những concert ấy ngay tại nước mình”. Chưa kể đến việc mở cửa giao lưu nghệ thuật, để học hỏi các kỹ nghệ tổ chức biểu diễn của nước bạn là một cơ hội lớn cho bất kỳ ai.

Concert BlackPink, “Những tấm vé đắt giá” và giấc mơ của giới trẻ

Sau tất cả, có lẽ cần tách bạch giữa giá trị nghệ thuật và các câu chuyện đại sự khác. Đừng áp đặt lên vai giới trẻ những gánh nặng mà bao thế hệ đi trước còn chưa tìm được lời giải. Hãy để họ được sống đúng với nhu cầu và khát vọng của thế hệ mình.

Và nếu nền giải trí đất nước ta còn chậm phát triển, văn hóa chúng ta còn nhiều lạc hậu và yếu kém, thì đó cũng không phải câu chuyện của những bạn trẻ đang khao khát một lần được tham gia vào một không khí âm nhạc với những thần tượng tuổi thanh xuân của mình.

Nguyễn Đình Lâm

Tại sao nhãn hàng xa xỉ nhất thế giới chịu bỏ ra tiền tỷ để mời idol Kpop như BLACKPINK, BTS làm đại sứ toàn cầu?

Tại sao nhãn hàng xa xỉ nhất thế giới chịu bỏ ra tiền tỷ để mời idol Kpop như BLACKPINK, BTS làm đại sứ toàn cầu?

Vì sao idol thế hệ trước như SNSD, BLACKPINK, BTS, hay tân binh như NewJeans đều được hàng loạt nhãn hàng cao cấp, xa xỉ nổi tiếng chọn làm đại sứ?