Công ty điều hành du thuyền Nhật Bản phá sản vì COVID-19

Một công ty điều hành du thuyền có trụ sở tại thành phố Kobe phía tây Nhật Bản đã nộp đơn xin phá sản hôm nay (2/3), sau hàng loạt khách hàng hủy bỏ dịch vu trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo Arab news dẫn nguồn từ công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank, cho biết khoản nợ của công ty điều hành du thuyền có trụ sở tại thành phố Kobe đã lên đến 1,24 tỷ yên (tương đương 11 triệu USD). Đây được xem là công ty đầu tiên về lĩnh vực khai thác du lịch phá sản khi dịch bệnh do COVID-19.

Tại Nhật Bản có hơn 950 trường hợp nhiễm bệnh đã được xác nhận, trong đó có hơn 700 người trên tàu du lịch Diamond Princess cập cảng gần Tokyo. Trong số 12 người chết ở nước này, có 6 người liên quan đến tàu du lịch.

Theo Kyodo News, công ty Luminous Cruising là hãng vận hành con tàu Kobe, là một trong những tàu du lịch nhà hàng lớn nhất tại Nhật Bản, cung cấp các dịch vụ du lịch trên các chuyến du thuyền nghỉ dưỡng ngày và đêm cho khoảng 1.000 hành khách quanh cảng Kobe với tầm nhìn ra thành phố, sân bay Kobe, Mt. Rokko và cầu Akashi-Kaikyo và cây cầu treo dài nhất thế giới.

  Công ty điều hành du thuyền Luminous Cruising đã để lại khoản nợ 1,24 tỷ yên (tương đương 11 triệu USD). 

Công ty điều hành du thuyền Luminous Cruising đã để lại khoản nợ 1,24 tỷ yên (tương đương 11 triệu USD). 

Tòa án quận Kobe đã chấp nhận đơn xin bảo hộ phá sản của Luminous Cruising theo đạo luật phục hồi dân sự vào hôm nay (3/2). Một công ty mẹ của công ty Luminous Cruising là Concerto sẽ giúp các nỗ lực phục hồi của Luminous Cruising.

Các hoạt động của du thuyền  Kobe 2 sẽ bị đóng cửa vào thời điểm từ sáng 3/2,các hành khách đã đặt chỗ trước có thể chuyển sang tàu Concerto.

Luminous Cruising đã bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng chi phí nhiên liệu và du khách hủy bỏ trong quá khứ do một loạt các thảm họa thiên nhiên kể từ năm 2018, chẳng hạn như một trận động đất lớn và một loạt các cơn bão tại nước này.

Virus corona mới đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là từ Trung Quốc, nơi virus này bắt nguồn cấm tất cả các nhóm du lịch đến các quốc gia khác vào cuối tháng 1/2020.

Yêu cầu của chính phủ Nhật Bản vào thứ Tư tuần trước về việc hủy bỏ hoặc hoãn các sự kiện lớn trong hai tuần để ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngoài ra nước này còn đóng cửa các công viên giải trí, sân vận động và các địa điểm thu hút du khách khách khác, cũng như yêu cầu không đến những nơi công cộng.

Không chỉ có Luminous Cruising nộp đơn xin phá sản, tuần trước một khách sạn tại tỉnh Aichi cũng đã thông báo nộp đơn xin phá sản lên chi nhánh Tòa án quận Nagoya tại Toyohashi (Aichi) vì liên quan đến COVID-19.

Theo một khảo sát trực tuyến Tokyo Shoko Research thực hiện giai đoạn 7/2 - 26/2 với hơn 12.300 doanh nghiệp, 66% cho biết đã nhận thấy tác động của dịch bệnh, như khách hủy chuyến, chuỗi cung ứng gián đoạn và doanh thu giảm sút. Khi được hỏi về cách ứng phó, hơn 970 công ty cho biết đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. 200 doanh nghiệp thì đang cân nhắc lại hoặc hoãn kế hoạch gia nhập thị trường này.

 

NGỌC CHÂU

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương