Bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm COVID-19 là người trở về từ Kuwait, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 355 ca dương tính với SAR-CoV-2 và 72 ngày cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này đã có 330/353 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,3% tổng số ca bệnh.
Liên quan đến sức khoẻ của bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiểu ban Điều trị cho biết, hiện sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Trên thế giới, tính đến 18h ngày 27/6 (giờ Việt Nam), theo thống kê của Worldometers, thế giới ghi nhận tổng cộng 9.927.976 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 497.363 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 5.376.461 người.
Mỹ vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 2.553.068 ca nhiễm và 127.640 ca tử vong. Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 tại nước này liên tục gia tăng. Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, công bố sáng 27/6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 40.700 ca mắc COVID-19. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay.
Trước tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại tại một số nước đã nới lỏng các biện pháp phòng ngừa, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định sự lơ là, chủ quan của người dân nhiều nước trong việc tuân thủ các hướng dẫn y tế phòng dịch, cũng như sự coi thường của giới trẻ là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng trở lại này.
Ngày 26/6, Liên minh Chống dịch COVID-19, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu, cho biết liên minh này cần tới 31,3 tỷ USD trong vòng 12 tháng tới để phát triển và tiến hành các thử nghiệm, điều trị cũng như vắcxin phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đối tượng chính được thụ hưởng là các nước thu nhập thấp và trung bình trên toàn cầu.
Theo liên minh trên, tổ chức này đã nhận được 3,4 tỷ USD và còn thiếu 27,9 tỷ USD nữa, trong đó hơn 13 tỷ USD cần phải có gấp.
Trong một tuyên bố, liên minh cho biết sáng kiến của WHO là tăng quy mô xét nghiệm lên 500 triệu ca và 245 triệu đợt điều trị tại các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2021 và nâng số liều vắcxin lên 2 tỷ, trong đó 1 tỷ liều được dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2021.
Liên minh nêu rõ: "Tổng chi phí cho việc triển khai sáng kiến ACT-Accelerator chưa bằng 1/10 thiệt hại kinh tế toàn cầu mỗi tháng do tác động của dịch COVID-19 theo như ước tính của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF)."