COVID-19 chiều 29/3: Việt Nam 3 ca mới, Mỹ gần 31 triệu người nhiễm

Theo thông tin từ Bộ Y tế chiều 29/3, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca dương tính COVID-19.

3 ca này đều là người nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh và TP.HCM. Như vậy, tính đến chiều nay, tổng ca nhiễm tại Việt Nam là 2.594, 2.308 ca phục hồi.

Ngoài ra, tại tỉnh Hải Dương ổ dịch lớn nhất Việt Nam hiện không còn khu vực nào bị phong tỏa, cách ly y tế, và chỉ còn 41 người phải cách ly tập trung. Các mẫu xét nghiệm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh đều cho kết quả âm tính với COVID-19.

Từ ngày 1/4, học sinh các cấp từ mầm non đến THPT toàn tỉnh sẽ trở lại trường học, chỉ tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và các cuộc thi, giao lưu. 

Tỉnh Hải Dương cũng sẽ lùi thời gian tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 một tuần, và việc tổ chức ăn bán trú cho học sinh tại các trường phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.

Các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như quán bar, vũ trường, karaoke, massage, gym, rạp chiếu phim, quán game tiếp tục tạm dừng hoạt động cho đến ngày 15/4. Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Các quán bia vỉa hè tạm thời chưa cho phép hoạt động. Riêng TP Hải Dương, TP Chí Linh và huyện Kim Thành chủ động áp dụng thêm một số biện pháp chặt chẽ hơn trong phòng chống dịch.

1.png

Trên thế giới, tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tại các nước EU. Chính phủ nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) những ngày qua liên tục cảnh báo hệ thống bệnh viện có nguy cơ bị quá tải do số ca nhiễm COVID-19 tăng cao. Sự bùng phát này chủ yếu do biến chủng B.1.1.7, được phát hiện đầu tiên ở Anh và có khả năng lây lan nhanh hơn, gây ra.

Tại Pháp, các phòng chăm sóc tích cực (ICU) hiện đang điều trị cho hơn 4.700 bệnh nhân COVID-19. Đây là số ca nhập viện cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay. Theo giới chức y tế Pháp, trong hai ngày 26 và 27-3, mỗi ngày nước này ghi nhận hơn 42.000 ca mắc COVID-19.

Tại Đức, số ca bệnh mới cũng tăng vọt. Theo Reuters, những tuần sắp tới sẽ quyết định liệu Đức có bị "vỡ trận" hay không. Theo số liệu công bố ngày 28/3, Đức có thêm 90 ca tử vong và 17.176 ca nhiễm mới do biến thể mới virus gây ra.

Các bệnh viện tại Ba Lan cũng đang phải tiếp nhận lượng bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất kể từ đầu dịch và số ca mắc mới trong vài ngày qua vượt mốc 35.100 ca/ngày. Ukraine có 5.052 ca nhập viện trong 24 giờ qua vì COVID-19, với 203 người tử vong. 

Nhiều đợt phong tỏa, lệnh giới nghiêm ban đêm, các biện pháp hạn chế đã khiến cuộc sống của người dân ở châu Âu bức bối kéo dài. Mỗi khi nhà chức trách nhắc đến từ "phong tỏa", làn sóng phản đối lại rầm rộ.

Mới đây, khi bị nhà thờ, doanh nghiệp và người dân phản đối, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải từ bỏ ý định gia hạn lệnh phong tỏa đất nước qua lễ Phục sinh. 

Khảo sát công bố ngày 28/3 cho thấy người dân Đức thất vọng vì cách chống dịch của chính quyền và sự ủng hộ cho đảng của bà Merkel giảm đến 25% so với khảo sát tương tự vào tháng 9-2020.

Tại Pháp, bộ trưởng y tế nước này tránh từ "phong tỏa" nhưng từ nửa đêm 26-3 có thêm ba vùng ở Pháp là Rhône, Aube và Nièvre bị hạn chế nghiêm ngặt trong 4 tuần bên cạnh lệnh giới nghiêm từ 19h áp dụng trên toàn quốc để đẩy lùi COVID-19.

Hầu hết cửa hàng sẽ phải đóng cửa, người dân chỉ được ra ngoài nếu có việc cần thiết. Trước đó, Paris và khu vực phía bắc của Pháp cũng bị áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự. 

Chính quyền Pháp cố gắng kiểm soát tình hình bằng cách kêu gọi tăng tốc triển khai tiêm vaccine, tiêm ngày tiêm đêm nếu có thể. Đến ngày 27/3, đã có hơn 7,7 triệu người được tiêm mũi đầu tiên.

Dịch COVID-19 hiện ghi nhận 127,86 triệu ca nhiễm, 2,797 triệu ca tử vong và hơn 103 triệu ca phục hồi.

Mỹ vẫn chiếm đầu bảng với gần 31 triệu ca nhiễm, hơn 562.000 ca tử vong, Brazil có 12,5 triệu ca nhiễm và hơn 312.000 ca tử vong, Ấn Độ ghi nhận hơn 12 triệu ca nhiễm và gần 162.000 ca tử vong.

HẢI MY