COVID-19 sáng 20/2: Việt Nam không có ca nhiễm mới, hơn 125.000 người đang cách ly chống dịch

Cập nhật lúc 6h sáng 20/2, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 và đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân.

Hôm nay, Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới. Tính đến 6h ngày 20/2, Việt Nam có tổng cộng 1463 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 770 ca.

Hiện cả nước có 125.572 người đang phải cách ly phòng chống dịch ( tính cả số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch về).

tinh-hinh-covid-moi-nhat.jpg

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân COVID-19. 

Liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết Bộ đã và đang tích cực làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine COVID-19 về Việt Nam phục vụ người dân. Các đơn vị trong nước cũng đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine. Xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vaccine COVID-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Hải Phòng yêu cầu xử phạt nữ giáo viên khai báo không trung thực

Chiều 19/2, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo xử lý trường hợp giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn khai báo y tế không đúng sự thật.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Chủ tịch UBND quận Lê Chân, Sở Giáo dục và Đào tạo xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật bà H.T.T với mức cao nhất theo quy định.

Trong trường hợp, bà H.T.T dương tính với COVID-19, yêu cầu UBND quận Lê Chân chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự.

Trước đó, vào ngày 9/2, bà H.T.T, thường trú tại phường An Dương quận Lê Chân, giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Nguyễn Hãn xin phép về quê ở Hải Dương ăn Tết.

Mặc dù không được lãnh đạo nhà trường đồng ý nhưng bà T vẫn đi về quê chồng ở xóm Nam, thôn Song Đông, xã Tân An, Thanh Hà, Hải Dương.

Trong thời gian ở quê, bà T. có đi chợ Nứa mua sắm và lên nhà bố mẹ đẻ ở xóm Tràng, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, để thắp hương.

Đến chiều 15/2, nữ giáo viên trở về nhà riêng tại Hải Phòng và khai báo với tổ dân phố và phường An Dương là mình đã đến Khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội và về ngay trong ngày.

Khi Ban Giám hiệu nhà trường cùng cơ quan chức năng địa phương yêu cầu báo cáo trung thực thì phát hiện nữ giáo viên này đã khai báo không đúng sự thật.

khai-bao-y-te.jpg
Lực lượng chức năng thành phố Hải Phòng hướng dẫn công dân khai báo y tế điện tử tại các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN 

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h ngày 19/2, thế giới đã ghi nhận hơn 111,210 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 2,461 triệu ca tử vong.

Mỹ đứng đầu thế giới với 28,594 triệu ca nhiễm và 507.430 ca tử vong. Hiện Brazil và Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm gần bằng nhau (lần lượt là 10,08 triệu ca và 10,97 triệu ca). Tuy nhiên, số ca tử vong tại Brazil cao gấp rưỡi tại Ấn Độ (lần lượt là 244.765 ca và 156.237 ca).

Israel: Vaccine Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 85% sau mũi tiêm đầu tiên

Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí y học Lancet, vaccine của hãng Pfizer-BioNTech hiệu quả 85% trong việc phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khoảng 2-4 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên.

Trước đó, các nghiên cứu đã chỉ ra vaccine nói trên hiệu quả 95% một tuần sau mũi tiêm thứ hai.

Nghiên cứu được tiến hành với hơn 9.000 nhân viên y tế tại bệnh việm Sheba lớn nhất của Israel, nơi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà từ ngày 19/12/2020 với tốc độ nhanh nhất thế giới.

vaccine-covid-19a.jpg
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: TTX

Khoảng 7.000 người trong số này được tiêm liều đầu tiên vaccine Pfizer-BioNTech và những người còn lại không được tiêm.

170 người được chẩn đoán mắc COVID-19 sau khi tiến hành xét nghiệm những người có triệu chứng bệnh hoặc đã tiếp xúc với người mang virus. 52% trong số này thuộc nhóm chưa tiêm phòng.

So sánh hai nhóm, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Sheba đã tính toán rằng vaccine Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 47% trong 1-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên và tăng lên 85% sau 15-28 ngày.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Gili Regev-Yochay cho biết: "Điều chúng tôi thấy là hiệu quả thực sự cao ngay sau 2 tuần, trong vòng 2-4 tuần sau khi tiêm, có thể giảm 85% nguy cơ nhiễm bệnh có triệu chứng".

NHẬT SANG