COVID-19 sáng 30/8: Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, hơn 25 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh.

Sáng nay , Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, tuy nhiên có 11 người tiên lượng nặng, trong khi đó có hơn 25 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh.

Bản tin 6h sáng ngày 30/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Tuy nhiên có 11 bệnh nhân tiên lượng rất nặng và nguy kịch.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, số ca mắc ở Việt Nam như sau:

- Tính đến 6h ngày 30/8: Việt Nam có tổng cộng 690 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 550 ca.

- Tính từ 18h ngày 29/8 đến 6h ngày 30/8: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người cách ly:

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 54.392, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.212

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.103

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 39.077

Tình hình điều trị:

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 677 bệnh nhân COVID-19/ 1.040 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 45 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 51 ca, số ca âm tính lần 3 là 28 ca.

Báo cáo của Tiểu ban Điều trị cũng cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 11 trường hợp có tiên lượng nặng và nguy kịch, trong tổng số bệnh nhân đang điều trị, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/11trường hợp, và tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào là 5 trường hợp. Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng

Đến thời điểm này số ca tử vong: 32 ca. 

Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Tình hình Covid-19 thế giới:

Theo trang mạng worldometer.info, tổng số ca bệnh trên toàn thế giới từ đầu đại dịch tới nay đã vượt mốc 25 triệu, trong đó trên 845.000 ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận trên 241.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong. 

Nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất trong 24 giờ qua tiếp tục là Ấn Độ với 78.472 ca. Đây là con số mắc hàng ngày cao kỷ lục ở nước này. Ấn Độ cũng ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày 29/8 với 944 ca.

Đứng thứ hai thế giới về ca mắc trong 24 giờ qua là Mỹ (trên 39.000), nâng tổng số ca mắc lên trên 6,1 triệu ca. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 882 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên trên 186.000 ca.

Đứng thứ ba thế giới là Brazil với 33.548 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên trên 3,8 triệu ca. Brazil ghi nhận 858 ca tử vong ngày 29/8, nâng tổng số ca tử vong lên trên 120.000 ca.

Tại Đông Nam Á, tính tới hết ngày 29/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 454.010, trong đó 10.931 người tử vong. Trong ngày 29/8, ASEAN ghi nhận 7.100 ca mắc tại 7 quốc gia và 188 ca tử vong tại ba quốc gia.

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong ngày 29/8 vẫn là Philippines với 3.637 ca, nâng tổng số ca mắc của nước này lên 213.131 ca. Tổng số ca tử vong của Philippines là 3.419 sau khi tăng 94 ca trong ngày 29/8. Vùng đô thị Manila đứng đầu 5 khu vực và tỉnh có số ca mắc hàng ngày cao nhất nước với 2.030 ca, tiếp đó là tỉnh Laguna, Rizal, Cavte và Batangas.

Tại châu Phi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), số ca COVID-19 ở châu lục này đã lên tới trên 1,24 triệu người, trong đó có trên 29.000 người đã tử vong.

Cũng theo CDC châu Phi, mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm. 5 nước có số ca mắc nhiều nhất là Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Nigeria và Ethiopia. Tổng số ca mắc ở 5 nước này chiếm khoảng 72% tổng số ca trên toàn châu lục.

Nếu tính theo tỷ lệ tử vong, châu Phi có 9 nước có tỷ lệ cao hơn mức trung bình chung toàn cầu là 3,4%, nhưng tỷ lệ của toàn châu lục thì chỉ ở mức 2,4%. Một tín hiệu khả quan khác là trong một tuần qua, toàn châu Phi chỉ có thêm 58.417 ca mắc mới, giảm 20% so với tuần trước đó. Ngoài ra, số lượng xét nghiệm COVID-19 cũng tăng mạnh, thêm một chỉ dấu tích cực nữa được ghi nhận tại “lục địa đen”.

THANH THANH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương