Hết bộ trưởng này đến bộ trưởng khác đã đưa ra tin xấu khi quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu này phải trải qua năm thứ tư trong khủng hoảng, phải vật lộn với lượng ngoại hối tối thiểu khi sản lượng giảm mạnh.
Các quan chức hàng đầu của nước này cho biết, sản xuất thực phẩm, nguồn cung dược phẩm và vận tải đã giảm ít nhất 50% kể từ năm 2018 và tiếp tục giảm trong năm nay phần lớn do tình trạng thiếu nhiên liệu thường xuyên và mất điện.
Cuba nhập khẩu phần lớn thực phẩm và nhiên liệu mà nước này tiêu thụ, nhưng doanh thu đã sụt giảm sau đại dịch, bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt cứng rắn của Mỹ và hoạt động du lịch đang gặp khó khăn, từng là trụ cột của nền kinh tế đảo Caribe.
Nhà kinh tế Cuba Omar Everleny cho biết: "Các bộ trưởng đã cung cấp thông tin mới cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng và mức tăng trưởng trong năm nay là rất đáng nghi ngờ".
Bộ trưởng Nông nghiệp Ydael Jesus Perez cho biết sản lượng thịt heo, gạo và đậu, những hàng hóa chủ yếu trong bữa tối của Cuba, đã giảm hơn 80% trong năm nay so với mức trước khủng hoảng, trứng cũng giảm 50%.
Bộ trưởng giải thích: "Chỉ có thể mua được 40% nhiên liệu, 4% phân bón và 20% thức ăn chăn nuôi cần thiết".
Theo dữ liệu được chia sẻ trên truyền hình nhà nước trong bài thuyết trình của Thứ trưởng Bộ Y tế Tania Margarita Cruz, các bệnh viện đang thiếu các vật tư cơ bản như chỉ khâu, bông và gạc, đã thực hiện ít hơn 30% số ca phẫu thuật so với năm 2019. Gần 68% dược phẩm cơ bản không có sẵn hoặc thiếu hụt.
Việc thiếu hụt nhiên liệu đang gây khó khăn cho Cuba giữa cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.
Theo Hãng tin Reuters, nhiều người dân đã xếp hàng hàng giờ, đôi khi vài ngày, để đổ đầy bình xăng. Một số thậm chí ngủ trong ô tô của họ. Ngoài tài xế ô tô, tài xế xe tải, tài xế taxi, khách du lịch và phương tiện giao thông công cộng cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nhiên liệu.
Nếu lúc trước có 2.500 xe buýt hoạt động ở Havana, thì hiện tại chỉ còn 300 chiếc so với 600 chiếc 4 năm trước, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Eduardo Rodríguez Davila cho biết.
Các bộ trưởng tiết lộ lưu lượng vận chuyển hàng hóa nội địa tiếp tục giảm và chỉ bằng một nửa so với năm 2019. Ngành công nghiệp đang hoạt động chỉ với 35% công suất.
Chính phủ Cuba thừa nhận nền kinh tế của nước này cần cải cách. Chính quyền địa phương ngày càng chịu áp lực khi các vấn đề và căng thẳng gia tăng, đã đưa ra các chương trình nhằm hạn chế nạn đói, xây nhà và cải thiện luồng giao thông, nhưng vẫn gặp khó khăn do thiếu vốn.
Trong khi các nhà chức trách chủ yếu đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ và đại dịch COVID-19 là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng, thì các nhà phê bình chỉ ra tốc độ chậm chạp của cuộc cải cách theo định hướng thị trường.
Đồng tiền mất giá đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và các hàng hóa cơ bản khác. Người dân phải xếp hàng dài để có thể mua những mặt hàng này.
Các chuyên gia ước tính 40% trong số 11 triệu dân Cuba sống hoàn toàn dựa vào đồng peso và không được tiếp cận với đồng USD. Những người có thể có được đồng bạc xanh chủ yếu là từ kiều hối mà người thân gửi về từ nước ngoài hoặc từ việc buôn bán cho khách du lịch.
"Sự mất giá của đồng tiền Cuba phản ánh năng suất kinh tế của đảo quốc này giảm dần", Bert Hoffman, một chuyên gia về Mỹ Latin tại Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức ở Hamburg, nhận định.
(Nguồn: Reuters)