Anh Nguyễn Việt Cường là một trong số những “dân giang hồ” mà nhiều người chỉ cần nghe thấy tên đã phải kiêng nể hoặc chí ít cũng phải dè chừng phần nào. Ít ai có thể tưởng tượng nổi, sau những tháng ngày chìm trong cuộc sống đen tối ấy, anh lại trở thành người cống hiến hết mình trong những chương trình thiện nguyện, khi thì hỗ trợ trẻ em nghèo vùng cao, khi thì giúp đỡ những bệnh nhân ung thư.
Đã từng có một thời lầm lạc
Vừa chỉ đạo nhân viên, vừa bưng bê những suất bún cho khách, không ai nghĩ ông chủ chuỗi bún chả ở Hà Nội, đang làm việc kia, chỉ mấy năm trước thôi còn là một tay “giang hồ cộm cán”.
Anh Nguyễn Việt Cường tại quán ăn của mình |
Là người đã có một thời có tiếng trong giới xã hội và đã từng vướng vào vòng lao lý, anh Nguyễn Việt Cường cho biết sự khổ sở nhất không phải là những ngày tháng cải tạo mà là những ngày bắt đầu được tự do. Có rất nhiều trường hợp, khi ở trong tù khao khát được ra ngoài xã hội, nhưng khi được ra rồi, nhiều người lại phải trở lại nhà tù.
Bởi lẽ, xã hội luôn có những định kiến, phán xét về người đã từng vào tù. Có thể họ không phản ứng quá gay gắt thế nhưng vẫn có thể thấy họ dị nghị, xa lánh và không dám “dây dưa” với những anh em xã hội. Nhiều người không thể có công ăn việc làm lại buộc phải quay trở về với con đường tội lỗi ngày trước. Nhưng anh Cường đã tự mình vượt qua được câu chuyện ấy.
Ông chủ cửa hàng chuẩn bị bữa chưa cho khách |
Khi ở trong tù, ngoài thời gian lao động, anh dành rất nhiều thời gian để đọc sách và chiêm nghiệm lại cuộc đời. Dù rất muốn thay đổi nhưng sau khi ra tù, vì cuộc sống mưu sinh mà anh vẫn phải duy trì kinh doanh những hoạt động trái với lương tâm như cờ bạc, cho vay nặng lãi, lô đề, tiệm mát -xa...
Nhưng đến một ngày anh nhìn lại 2 đứa con của mình, chúng nó đang tuổi mới lớn cần có người quan tâm chăm sóc, anh đã quyết tâm trở thành một ông bố mẫu mực. Buông bỏ tất cả và làm lại từ đầu.
May mắn thay trong lúc đang tìm định hướng cho tương lai, anh lại được một người bạn giúp đỡ. Vào năm 2020, khi thời điểm dịch Covid đang trong giai đoạn căng thẳng, quán bún chả mà người bạn của anh Cường đang làm đầu bếp tại đó làm ăn thua lỗ, không thể duy trì được và muốn bán cho người khác.
Qua lời chia sẻ của bạn, anh Cường đã quyết định vay mượn để mua lại quán và bắt đầu chuyển hướng sang kinh doanh quán ăn dù lúc đó anh rất sợ vì thời điểm đó không ai biết dịch bao giờ mới hết, bản thân chưa nấu ăn bao giờ nên cũng không biết có trụ nổi không…Quán ăn được mở trong sự lo lắng thấp thỏm của anh Cường.
“Thực ra khi mới bắt đầu gây dựng kinh doanh thì cũng khó khăn lắm, mình phải học rất nhiều, xem các cửa hàng khác họ kinh doanh như nào, học hỏi từ những anh em bạn bè và nghe lời khuyên hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm từ trước để cải thiện.
Mình cũng nghiên cứu rất nhiều, học rất nhiều và thực hành rất nhiều trước hết để cải thiện món ăn của mình sao cho tốt, sao cho hấp dẫn hơn rồi sau đó mới tìm hiểu các kinh nghiệm từ những người đi trước. Sau hơn 2 năm thì mình đúc kết ra được một điều là làm gì cũng phải từ cái tâm, cái gì cũng phải thật sạch chứ không chạy theo lợi nhuận lung tung thì không bền được”.
Anh cho biết thêm, trong thời gian học kinh doanh quán bún chả cũng là cơ hội để anh được trau dồi và học hỏi thêm kinh nghiệm, mở mang lối sống và tư duy hơn. Và cũng nhờ sự chăm chỉ, siêng năng học hỏi mà may mắn cũng gõ cửa với anh. Quán bún chả của anh ngày càng phát triển và lan rộng với quy mô khoảng 30 nhân viên, đến nay anh đã có 3 quán và vẫn đang mở rộng thêm, điều này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao đủ để cho anh có thể từ bỏ những nghề xã hội cũ.
“Mình dành hầu hết thời gian, tâm huyết vào cái mảng ăn này và may mắn thêm là kinh doanh thuận lợi, đem lại điều kiện kinh tế đủ để mình có thể từ bỏ cái nghề xã hội kia của mình. Lúc mua cửa hàng bún chả thì cũng có vay mượn anh em, người thân nhưng chỉ sau 1 năm buôn bán là trả được hết số tiền đã vay”.
Gột sạch quá khứ
Không chỉ làm việc để thay đổi chất lượng cuộc sống mà anh Cường cùng gia đình dành nhiều thời gian hơn cho các công việc thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn.
“Ngẫm lại thì cảm thấy cuộc đời mình đã làm nhiều cái sai lầm nhưng mình nghĩ rằng nó không vô nghĩa, bởi những cái mình trải qua thì đều cho mình những bài học, kinh nghiệm sống rất giá trị. Khi mình chuyển sang hướng khác rồi mình mới nhận ra được cái giá trị đặc biệt ấy, ý thức và trân trọng cuộc sống hiện tại hơn.” – Anh Cường tâm sự.
Một trong những lần đi thiện nguyện của anh Cường (ngoài cùng bên trái) và đoàn công tác |
Có thể nói, vì việc gì cũng đã từng trải qua rồi nên anh có sự đồng cảm, thấu hiểu cao đối với những hoàn cảnh yếu thế khác trong xã hội. Và cho đến bây giờ, dù công việc ngày càng bận rộn nhưng anh vẫn luôn cố gắng thu xếp thời gian để có thể giúp đỡ người khác trong khả năng của mình.
Những chuyến đi vùng cao, đến những bản đang còn khó khăn nghèo đói làm cho anh hiểu thêm được về những cuộc sống đang từng ngày cố gắng bươn chải của những người dân nơi đây. Anh cảm nhận được những gì họ đang trải qua, những đứa trẻ mắt sáng ngời khi nhìn thấy tấm áo mới, đèn trung thu hay những miếng bánh; kẹo mà những người làm thiện nguyện như anh mang đến.
Không chỉ là từ thiện mà đó còn là cách để anh giáo dục các con. Anh đưa các con theo trong mọi chuyến từ thiện với mong muốn để các con được trải nghiệm thực tế, để từ đó hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà các con đang có, để rèn cho các con tình yêu thương, san sẻ với mọi người xung quanh.
Con trai anh Cường tham gia hoạt động tình nguyện cùng bố |
Bên cạnh việc từ thiện, anh Cường còn tạo điều kiện cho những bạn học sinh, sinh viên kiếm thêm thu nhập trong những tháng hè.
“Mỗi dịp mùa hè, trong 3 tháng hè thì có rất nhiều bạn đến từ các tỉnh hay đến xin làm việc. Thực ra quán mình không có thiếu nhân lực, 30 người có lúc 40 50 người, nhưng anh vẫn tạo điều kiện cho các bạn đến làm, cho các bạn cơ hội để trải nghiệm cuộc sống thực tế và cũng để giúp các bạn kiếm thêm thu nhập.
Bản thân mình ngày xưa cũng va vấp ở xã hội từ còn nhỏ nên anh rất hiểu và đồng cảm. Khi các bạn làm việc ở đây thì ngoài những lúc làm việc ra mình cũng tranh thủ giáo dục, công tác tư tưởng cho các bạn ấy nữa. Và mình rất mong các bạn thông qua thời gian làm việc ở đây thì cũng biết suy nghĩ hơn, thương bố thương mẹ, gia đình hơn.”
Trong tương lai, anh cũng mong muốn rằng mình sẽ có thêm nhiều cơ sở bún chả ở các tỉnh thành khác, không chỉ ở Hà Nội để có thêm kinh phí giúp đỡ nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ khác.
Đi đón 5 vị khách quan trọng nhưng xe chỉ có 4 chỗ phải làm sao? Ứng viên EQ cao đưa cách giải quyết thông minh
5 vị khách nhưng xe chỉ có 4 chỗ thì phải làm sao? Nhờ câu trả lời thông minh, ứng viên EQ cao được nhận vào làm ngay lập tức.