Điện ảnh và những đứt gãy trong kết nối con người

Các tác phẩm điện ảnh nổi bật mang đến sự sẻ chia và thấu hiểu, giúp những ai đang chiến đấu cô độc để tìm lại chút ánh sáng cho tâm hồn.

Câu chuyện về những đứt gãy của con người trong kết nối xã hội, sự cô độc và mất cân bằng giữa tâm tưởng và thực tại là đề tài không mới. Nhưng hơn tất cả, điện ảnh, bằng những thủ pháp riêng biệt, đã kể lại những câu chuyện về những “mắc kẹt” đầy bế tắc của con người trong những hoàn cảnh, không gian và thời gian khác nhau ấy, một cách sâu sắc và ám ảnh tột bậc.

"A Phi chính truyện" của Vương Gia Vệ, "Huyền thoại mùa thu" của Edward Zwick và "Thiêu đốt" của Lee Chang Dong là ba câu chuyện riêng biệt của những con người ở những không gian, thời gian hoàn toàn khác biệt.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Họ tưởng như chẳng có sự liên quan nào, mỗi con người với những số phận riêng, những bế tắc và cả những bi kịch riêng. Nhưng có một điểm chung giữa họ, đó là sự cô độc đến tận cùng, họ đều không thể tìm thấy sự đồng điệu giữa nội tâm của mình với dòng chảy của con người và xã hội xung quanh, và kết thúc của ba câu chuyện đó đều là cái chết, hoặc sự sụp đổ, vỡ vụn của tâm trí không thể cứu vãn được.

"A Phi chính truyện", câu chuyện của Húc Tử, đại diện cho một thế hệ thanh niên Hồng Kông những năm 60 của thế kỉ trước với những “mắc kẹt” giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện thực và tâm hồn.

Húc Tử bị mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, anh lớn lên với những ẩn ức và những bế tắc. Anh lọt thỏm giữa mảnh đất Hồng Kông phồn hoa năm đó nhộn nhịp đủ sắc màu, nhưng lại không có cho anh một chốn dung thân thực sự để thấu hiểu, để cân bằng.

Và cứ thế, Húc Tử cứ “mắc kẹt” triền miên trong những bi kịch của chính mình, anh điên dại yêu, điên dại vứt bỏ, điên dại tự làm đau mình, để rồi cuối cùng mãi mãi ra đi như “loài chim không chân, cứ bay mãi, bay mãi trên bầu trời, và tựa vào cơn gió mỗi khi thấm mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống một lần trong đời nó… Đó là khi chết đi.”

Một cảnh trong phim
Một cảnh trong phim "A Phi chính truyện" (Ảnh: internet)

Húc Tử đón nhận cái chết của chính mình như một sự cứu rỗi, lần đầu tiên anh mỉm cười, đó là trước khi chết. Với anh, hay với một số người, đó là sự giải thoát.

Không lớn lên trong đơn độc như Húc Tử, Tristan, chàng trai của mùa thu, người con của xứ Motana lạnh giá lớn lên bên cha và hai người anh em trai, nhưng lại chưa bao giờ thôi cô độc. Sự quay lưng ra đi của người mẹ đã dấy lên trong Tristan những sự thất vọng và oán hận ngày càng lớn, những ám ảnh về chiến tranh từ người cha, cái chết của người em trai út trong cuộc chiến vô nghĩa, tất cả đã lấy đi của Tristan niềm tin vào tình yêu và những điều tốt đẹp về con người.

Anh “mắc kẹt” trong những phản bội và mất mát, để rồi cho đến nhiều năm sau này của cuộc đời, anh liên tục trốn chạy, nổi loạn và bất cần, anh vùng vẫy để thoát ra, nhưng không thể.

Bộ phim
Bộ phim "Huyền thoại mùa thu" (Ảnh: internet)

Câu chuyện "Huyền thoại mùa thu" được đạo diễn người Mỹ Edward Zwick vẽ nên với màu sắc của thần thoại, nhưng bên trong đó, lại mang đầy những bi kịch của con người.

Cho đến những ngày cuối của cuộc đời, khi bỏ mạng bởi một con gấu, Tristan vẫn không có được lối thoát cho mình. Anh như hiện thân của những sụp đổ trong tâm trí mãi mãi không thể chữa lành, anh không tìm được sự đồng điệu với những con người xung quanh, cho dù đó là người thân, vợ, hay là người tình...

Năm 2010, đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc Lee Chang Dong đưa tác phẩm "Barn Burning" của Haruki Murakami lên màn ảnh với tên gọi "Burning" (Thiêu đốt).

"Burning" là câu chuyện của ba người trẻ với những nỗi cô đơn nơi đô thị, mà cụ thể ở đây là Seoul, Hàn Quốc. Hàng ngày, họ thức dậy với những nỗi lo lắng bủa vây, những áp lực của xã hội, của sự nghèo đói, những vấn đề tâm lý.

Đó là câu chuyện về Jong Soo, một thanh niên bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ, người cha mất khả năng kiềm chế cơn giận dữ, Jong Soo sống nghèo khó và lay lắt với những ước mơ còn đang dang dở. Một Hae Mi cô độc, khát khao bay cao, bay xa nhưng bị trói buộc vì không có tiền. Một Ben xa hoa, phóng túng mà vô cảm, với trái tim đầy ẩn ức, khát khao cảm xúc nhưng chưa bao giờ sở hữu được cảm xúc, đặc biệt là tình yêu.

Poster bộ phim
Poster bộ phim "Burning" (Ảnh: internet).

Họ “mắc kẹt” lại trong vòng xoáy và nhịp điệu của cuộc sống hiện đại, mỗi người có một địa vị xã hội, với một cuộc sống riêng, một nỗi trăn trở riêng, để rồi phải tìm cách để mưu sinh, để sống và tiến về phía trước. Họ vô thức bám víu vào nhau chớp nhoáng trong những cô độc, rồi lợi dụng lẫn nhau, và cuối cùng là hủy hoại nhau.

Câu chuyện của Jong Soo, Hae Mi hay là Ben trong "Burning" dường như trở thành câu chuyện của rất nhiều những người trẻ đang “mắc kẹt” lại giữa đô thị phồn hoa, họ dần trở nên vô cảm và bất ổn, phải tìm đến cần sa hay bạo lực để giải tỏa tâm trí. Những bi kịch của họ như những cơn bạo bệnh dai dẳng không thể gọi thành tên, và chưa tìm được cách để chữa lành.

Ba bộ phim, ba câu chuyện, với ba không gian và thời gian khác nhau, nhưng đã tạo thành ba mảnh ghép khá đắt giá về chân dung của những con người đang “mắc kẹt” giữa thực tại và tâm tưởng, để rồi không thể tìm thấy lối thoát cho riêng mình.

Đó là những câu chuyện mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, Hồng Kông, Seoul, miền Tây nước Mỹ, hay là bất cứ thành phố nào khác. Cho dù những câu chuyện được lãng mạn hóa và khái quát hóa, nhưng cả ba vị đạo diễn gạo cội từ cả châu Á đến châu Âu đều mang đến cho người xem những lát cắt chân thực và sâu sắc về những mảng tối trong tâm hồn con người và cả xã hội, lồng ghép sau đó là những vấn đề về thời đại, về bối cảnh kinh tế và về chính trị, như những sợi tơ đang trói buộc những con người nhỏ bé, yếu ớt, dù mỏng manh nhưng ngày một siết chặt hơn đến ngột ngạt.

Hi vọng rằng, cùng với những giá trị về nghệ thuật, ba tác phẩm điện ảnh nổi bật kể trên phần nào mang đến cho con người một chút xúc cảm của sự sẻ chia và thấu hiểu, như một chiếc nắm tay nhè nhẹ phần nào giúp những ai đang phải chiến đấu trong những cô độc tìm được cho mình một chút kết nối, để tìm lại được chút ánh sáng cho tâm hồn.

Lan Anh

Từ phim ảnh suy nghĩ về nữ quyền

Từ phim ảnh suy nghĩ về nữ quyền

Một tư duy ấu trĩ trong các bộ film về nữ quyền là biến những người phụ nữ trở nên mạnh mẽ một cách bất thường.