Doanh nghiệp xã hội Kym Việt, do ông Phạm Việt Hoài là một người khuyết tật sáng lập, tại địa chỉ tại số 123, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, là một xưởng sản xuất thú nhồi bông hoạt động 9 năm nay.
Khác với các nhà xưởng sản xuất khác, toàn bộ công nhân làm việc tại đây đều là người điếc. Nhưng mặc cho nhiều trở ngại về giao tiếp khó khăn, tất cả công nhân ở đây đã trở thành những người lao động có tay nghề giỏi. Họ luôn miệt mài, tỷ mỉ, chăm chỉ và trách nhiệm với công việc gắn bó nhiều năm nay. Đó mới là điều đặc biệt tại xưởng sản xuất thú nhồi bông sao la – linh vật SEA Games 31.
Ông Phạm Việt Hoài chia sẻ: Hiện tại xưởng đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động là người điếc, chủ yếu là nữ, chỉ có 3 nam. Sản phẩm chính của doanh nghiệp là thú nhồi bông với nhiều mẫu mã khác nhau. Với kinh nghiệm 9 năm làm thú nhồi bông, doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu và thị trường riêng.
SEA Games 31, Kym Việt đã thiết kế mẫu búp bê linh vật sao la với hình ảnh khỏe khoắn, đáng yêu để phục vụ nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, những chú sao la này không phải linh vật chính thức của đại hội thể thao, chỉ là một sản phẩm đồng hành và đã được ban tổ chức SEA Games 31 cấp phép sản xuất. Thiết kế này không được sử dụng logo thương hiệu riêng của SEA Games 31.
Ông Việt Hoài chia sẻ công đoạn khó khăn nhất khi bắt đầu làm một sản phẩm mới đó là truyền tải được tinh thần và ý nghĩa của linh vật đối với công nhân. Người thiết kế không biết dùng ngôn ngữ ký hiệu, vì vậy phải thông qua một bạn phiên dịch.
"Để làm hoàn thiện tạo hình linh vật sao la, chúng tôi đã phải làm làm đi, làm lại rất nhiều lần mới hoàn thiện và ra được kết quả như bây giờ", ông Hoài nói.
Ông chia sẻ thêm: "Người bị điếc làm việc ở đây họ không thích mọi người dùng từ 'khiếm thính', vì đối với họ đó là từ ngữ miệt thị. Họ bị 'điếc' nên họ muốn mọi người dùng từ 'điếc' để họ được tôn trọng, và mọi người hãy làm theo những gì họ muốn đừng làm theo những gì mình nghĩ”.