Doanh nghiệp muốn xây 10 triệu nhà ở xã hội 5 sao

Doanh nghiệp đề xuất muốn xây 10 triệu nhà ở xã hội tiêu chuẩn 5 sao cho người thu nhập thấp, mức giá từ 8-18 triệu đồng/m2, tùy từng tỉnh...

Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian chưa đạt kế hoạch, doanh nghiệp không mặn mà tại tọa đàm đại cách mạng nhà ở xã hội, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. Thứ hai là vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua nhà ở xã hội. Thứ ba là quỹ đất, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là do các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với doanh nghiệp và người dân.

Chính vì thế, theo ông Lực, rất cần các cơ chế chính sách để tạo ra sự phát triển đột phá về nhà ở xã hội. Còn chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nói thẳng, quy định quỹ đất 20% nhà ở xã hội thời gian qua có vô vàn bất cập dẫn đến không sử dụng được quỹ đất này để phát triển nhà ở xã hội. Các chủ đầu tư thường chọn cách nộp tiền cho xong nhưng số tiền đó cũng chưa được dùng để xây nhà ở xã hội một cách thực chất... Vì thế, ông kiến nghị bỏ quy định này. Liên quan đến nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần đa dạng hóa nguồn vốn, vốn giá rẻ là tổng hợp tất cả các nguồn vốn nhưng hiện nay, câu chuyện quỹ tín thác vẫn chưa hoàn thiện.

“Trái phiếu xanh, tín dụng xanh là câu chuyện chúng ta cần phải tận dụng, không chỉ từ nguồn vốn trong nước mà nguồn vốn quốc tế. Chúng ta phải tiếp cận được nguồn vốn rẻ nhất thì mới có thể xây dựng được những căn hộ giá rẻ đáp ứng nhu cầu xã hội”  ông Ánh nói.

Trong khi việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu thì thực tế cho thấy, để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp càng trở nên cấp thiết... Hiện nay, cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều giải pháp phát triển nhà ở công nhân, trong đó có quy định trách nhiệm của các bên và chính sách thu hút đầu tư.

Đặc biệt, mới đây Công ty Cổ phần Tập đoàn APEC vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện 6 - 10 triệu căn hộ cho các đối tượng an sinh xã hội giai đoạn 2021-2030. Tập đoàn APEC cho rằng, cần lập quy hoạch các đại đô thị nhà ở xã hội có quy mô lớn. Cụ thể, TPHCM, TP.Hà Nội, mỗi địa phương cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000ha để làm nhà ở xã hội diện tích từ 50 - 300ha/khu đô thị. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000ha đến 20.000ha để làm nhà ở xã hội.

ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - cho rằng, chúng ta phải xem xét đề án một cách tổng thể. Trong đề án, kiến nghị của doanh nghiệp mong muốn chính sách ra sao và kỳ vọng như thế nào để họ thực hiện. Bởi lẽ, chính sách, cơ chế luôn đi đôi với những quyền lợi và kết quả phải thực hiện. Ông Châu nói, trong quá trình thực hiện xây dựng nhà ở thì chi phí giải phóng mặt bằng là khá lớn. Nếu doanh nghiệp khi đưa ra đề án mà muốn được giao đất trống thì hoàn toàn khác.

Nhật Hạ

(Tổng Hợp)