Đọc sách “Như gió an lành” để tìm cho mình một góc an yên

Thong dong, tĩnh lặng, nhẹ nhàng,… những điều tưởng chừng là giá trị căn bản của cuộc sống mà hóa ra lại là điều mong manh nhất cuộc đời này.

Luẩn quẩn trong yêu, ghét, hận, thù mà quên đi niềm vui nho nhỏ

Giữa những xuôi ngược, hối hả của dòng đời. Chúng ta, ai cũng như ai, không dễ có thể buông chiếc smartphone xuống, không mấy khi chịu tương tác với nhau một cách tích cực. Sợi dây liên kết giữa con người với con người, giữa con người với cuộc đời sao lại mỏng manh đến vậy.  

Hiểu thấu được những giá trị đích thực của con người ngày nay gần như bị mất đi, tựa sách Như gió an lành của Lưu Đình Long là những giọt nước mát mẻ chảy vào lòng người, cuốn sách giúp chúng ta không những học cách thương yêu mà còn biết thương yêu cho sâu sắc. Thực tập được điều này thì tự nhiên ta sẽ biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận chứ không cưỡng cầu, trói buộc,…

252 trang của Như gió an lành vừa là lời tâm sự của tác giả về cái duyên, cái nợ, cái tình trong nhân gian, vừa thể hiện sự bất định trong mối liên hệ giữa con người với cuộc sống. Từng trang sách nhẹ nhàng, trầm lắng đã khiến cho Như gió an lành cuốn hút người đọc ngay từ những dòng đầu tiên. Bởi lẽ, ai cũng muốn được xoa dịu tâm hồn, nghe những lời tâm sự, đọc những dòng yêu thương giữa những bộn bề, âu lo của cuộc sống.

Cuốn sách như gió an lành. 
Cuốn sách như gió an lành. 

Một ông cụ nói với con trai của ông rằng: “Con hãy nắm chặt tay lại và nói cho cha biết cảm giác của con là gì?”. Người con nắm chặt tay rồi nói: “Con cảm thấy hơi mệt ạ!”. Ông cụ tiếp tục: “Con hãy thử nắm mạnh hơn nữa!”. Người con trả lời: “Con thấy mệt hơn ạ! Có hơi tức thở ạ!” Ông cụ lại nói: “Vậy con hãy buông ra đi!”. Người con thở dài một hơi: “Con thấy thoải mái hơn nhiều rồi ạ!”. Ông cụ: “Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt thì sẽ càng mệt, thả lỏng nó ra thì sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều!”

Trong cuộc sống nào có mấy ai thực sự buông bỏ nhựng vật chất tầm thường hay ganh đua thường gặp?

Chúng ta luẩn quẩn trong yêu, ghét, hận, thù mà quên học cách chế tác những niềm vui nho nhỏ. Tâm bình an, không phiền muộn, “Trăm ngàn phiền não sạch không” cũng chính là thông điệp ý nghĩa mà cuốn sách Như gió an lành muốn gửi gắm đến chúng ta.

Quyển sách dạy ta rằng: “Gánh trên vai, dù nhẹ mà gánh hoài cũng sẽ mỏi, cũng thành nặng. Thế nên, mỗi ngày ta cần tập thả gánh xuống, hoặc chủ động bỏ bớt đồ ra khỏi gánh, mỗi ngày một ít (chớ không phải và không nên chờ đợi ai đó gánh dùm mình)”

Mỗi ngày trôi qua nếu cứ gánh trên vai những buồn phiền, quá để ý đến ánh nhìn của người khác thì ta sẽ sống nặng nề suốt quãng đời còn lại. Muốn sống an yên ta phải thực tập thả trôi phiền muộn, thuận theo tự nhiên, yêu thương chính mình và phải sống với chính mình, đừng cố là ai và đừng vì ai mà phải “biến hình”.

Tử tế theo nghĩa rộng là sống tốt – đẹp

Cuộc sống vốn có hai mặt tốt và xấu. Lòng người cũng như vậy. Nên hễ ta nhìn về điều gì, ta vận hành cái nhìn của mình về hướng nào, thì ta sẽ nhận về những cảm thọ tương ứng.

Bàn tay đưa vào lửa thì bị nóng, đưa vào băng đá thì sao khỏi lạnh. Để giữ cho tay ấm, ta phải để tay ở vùng an toàn. Lòng ta cũng khác chi bàn tay? Nếu ta cứ để tâm hồn mình tập trung vào chỗ phiền não, vào những xấu xí của người và cuộc đời – bằng cái tâm tranh chấp, phán xét – chớ không phải bằng lòng thương tưởng, ôm ấp, góp năng lượng chuyển hóa tốt đẹp thì chắc chắn ta sẽ khổ, sẽ nóng bức.

Như gió an lành phảng phất những triết lý nhẹ nhàng của Phật giáo, cuốn sách mang đến cho chúng ta lời khuyên quý giá. Nguyên nhân của những nỗi đau – nếu có mổ xẻ – thì cũng với sự bình tâm, gồm cả bi và trí, chứ không phải trên nền tảng vạch tội, chỉ lỗi để cho thấy ta là người tốt đẹp, vô can trong chuyện đó. Tìm rõ được nguyên nhân thì hãy hành động theo hướng cải thiện, ví dụ: trồng một cái cây xanh, làm một việc ý nghĩa, hiến tặng gì đó dù chỉ là một chút thôi, bớt xài cho cá nhân để dành tiền chung sức lo cho cộng đồng,...

Vì thế nếu chúng ta nuôi hạt giống thiện niệm trong tâm hồn chính là cách giúp ta tích đức. Giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn là không những giúp người mà còn giúp lòng mình thanh thản hơn. Bởi vì như tác giả nói: “Tử tế theo nghĩa rộng là sống tốt – đẹp!”.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương