Động viên nhau qua mùa dịch theo cách lạc quan nhất

Không phải là những số liệu người nhiễm bệnh, số tử vong khô khốc, không phải các thông tin về số tiền phải trả để chống dịch, cũng không phải những lời hô hào khẩu hiệu rổn rảng, có nhiều cách chia sẻ vui vẻ, hóm hỉnh giữa khoảng thời gian nhiều người đang sợ hãi vì con virus Covid-19 như thế này.

Từ phong trào “ẩm thực động viên”

Khi dịch bệnh ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, toàn bộ Vũ Hán bị cách ly, trang Weibo của tờ Nhân dân nhật báo nước này mở một phong trào mang chủ đề “Ẩm thực cả nước động viên mì khô Vũ Hán”. Khởi động là một bộ ảnh với hình ảnh các món ăn đặc trưng từng vùng miền bày tỏ sự chia sẻ dành cho món “mì khô nóng Vũ Hán” (kiểu mì trộn với nước tương đen, dầu vừng – một đặc sản Vũ Hán). 

Bộ ảnh nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi, thu hút nhiều ý tưởng tương tự tham gia. Nổi bật nhất là bức tranh của nữ họa sĩ tên là Trần Tiểu Đào. Bức tranh ngộ nghĩnh tiêu đề “Cố lên mì khô Vũ Hán! Bạn sẽ khỏi thôi”. Lấy hình ảnh mì khô Vũ Hán đang nằm trong bệnh viện, phía ngoài cửa là đại diện ẩm thực của nhiều vùng Trung Quốc đang đến thăm, bức tranh hàm ý cổ vũ tinh thần cho thành phố chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh của dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra. 

Bức tranh động viên gồm các món ăn đặc trưng vùng miền Trung Quốc của cô gái Trần Tiểu Đào được nhiều người thích thú.
Bức tranh động viên gồm các món ăn đặc trưng vùng miền Trung Quốc của cô gái Trần Tiểu Đào được nhiều người thích thú.

Tác giả bức tranh, Trần Tiểu Đào, sinh năm 1994, hiện đang là một họa sĩ tự do. Tiểu Đào là người Thiên Tân, tốt nghiệp chuyên ngành hoạt hình ĐH Thiên Tân, sau đó tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Truyền thông đại chúng ĐH Sư phạm Bắc Kinh. Bức tranh của cô được đánh giá là: “Nhìn biết ngay người Thiên Tân vẽ” vì ở vị trí sát cửa kính bệnh viện là hình ảnh bánh chiên cuộn - đặc sản Thiên Tân.

Ngoài ra có thể thấy trong bức tranh, đến động viên mì khô Vũ Hán còn có bánh cuộn nhân đậu đỏ Bắc Kinh, lẩu Trùng Khánh, Phật nhảy tường Phúc Kiến, Hành hoa Cáp Nhĩ Tân... Đây đều là các món ăn vặt nổi tiếng ở các địa phương Trung Quốc.

Tiểu Đào cũng không phải là người xa lạ với cộng đồng mạng Trung Quốc vì từ năm thứ ba đại học, cô đã là tác giả của nhiều nhân vật hoạt họa được cư dân mạng sử dụng làm meme. Trong đó nhân vật mang lại danh tiếng cho Tiểu Đào là chú bé bánh bao có tạo hình mang dáng dấp một chú gấu trúc đáng yêu. 

Tiểu Đào nói những người chung quanh cô đều hết lòng góp công sức để đẩy lùi đại dịch này: “Nhiều người bạn tôi đang ở Vũ Hán tham gia khám chữa bệnh. Tôi ngồi nhà cảm thấy không thể làm gì, chỉ có cách vẽ tranh động viên”. Bức tranh được cô hoàn thành ngay trong buổi chiều ngày 30/1. 

Không ngờ là khi vừa đăng tải, bức tranh được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều trang chủ các tờ báo lớn cũng đồng loạt share tranh của Tiểu Đào, có hơn 1 vạn bình luận ngợi khen, hơn 20 vạn like. 

Phong trào “ẩm thực động viên” cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Bởi trong khung cảnh các tin tức cứng nhắc, phong cách nhẹ nhàng, ngộ nghĩnh, những ẩn dụ đầy tình cảm nhanh chóng đi vào lòng người. Nhiều người dân Vũ Hán đã để lại bình luận bày tỏ cảm kích như: “Cảm ơn xúc xích Cáp Nhĩ Tân, tiểu long bao Thượng Hải, đậu phụ thối Hà Nam, vịt quay Bắc Kinh, Phật nhảy tường Phúc Kiến... mì khô Vũ Hán chúng tôi sẽ nhanh khỏi”.

Lấy cảm hứng từ tranh của Trần Tiểu Đào, bức tranh động viên phong cách Countryball với hình ảnh quốc kỳ các nước của tác giả Vianhue (Peru) cũng trở nên
Lấy cảm hứng từ tranh của Trần Tiểu Đào, bức tranh động viên phong cách Countryball với hình ảnh quốc kỳ các nước của tác giả Vianhue (Peru) cũng trở nên "viral" bên ngoài đại lục.

Những người làm chiến dịch này đều hy vọng những bức ảnh mang lại cái nhìn lạc quan hơn khi Trung Quốc đang trải qua những ngày đen tối. Ngoài Nhân dân nhật báo, nhiều trang Weibo khác cũng có các hình ảnh tương tự. Từ “ẩm thực động viên”, các địa phương cũng hình thành “danh thắng động viên”, “đoàn thể động viên”.

Đoàn thanh niên Bành Sơn, một địa danh Tứ Xuyên đã tung ra bộ ảnh với các nội dung “Bia đá thành Trường Thọ động viên Hoàng hạc lâu Vũ Hán”, “Hoa anh đào Bành Sơn động viên hoa anh đào Vũ Hán”, “Tứ hồ Ngũ hải Bành Sơn động viên Đông hồ Vũ Hán”, “Anh em Bành Sơn động viên anh em Vũ Hán”... 

Đến bức tranh phong cách countryball từ Mỹ Latinh

Giữa lúc đó, một bức tranh hướng về Vũ Hán của một tác giả Peru lại viral bên ngoài đại lục. Bức tranh vẽ theo phong cách Polandball/ Countryball comic - một kiểu meme khá là phổ biến với việc lấy các hình tròn và hình ảnh quốc kỳ các nước làm ẩn dụ.

Vì bản chất Polandball mang ít nhiều sự hài hước, châm biếm nên bức tranh lập tức được đón nhận vì những ý tứ trong đó.  Tác giả bức tranh, Vianhue - một cây vẽ khá nổi trong cộng đồng Coutryball nói anh lấy cảm hứng từ bức tranh của Trần Tiểu Đào: “Cô ấy có một ý tưởng thú vị. Bức tranh của tôi không thể ra đời nếu không có ý tưởng của cô ấy”.

Chàng trai trẻ 9X Vianhue bên cạnh bức tranh động viên theo phong cách countryball của mình.
Chàng trai trẻ 9X Vianhue bên cạnh bức tranh động viên theo phong cách countryball của mình.

Trong tranh của Vianhue, anh sắp xếp các quốc gia theo địa lý và mức độ quan hệ với Trung Quốc. Có thể thấy ở hàng đầu có đầy đủ các quốc gia Đông Nam Á đứng bên cửa kính động viên, bởi Đông Nam Á là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao vì đông du khách Trung Quốc. Các nước châu Mỹ, châu Phi cũng có mặt và giơ khẩu hiệu động viên. Một vài quốc gia được thể hiện khá hóm hỉnh như Ukraina đeo mặt nạ chống độc, hay nước Mỹ đội một chiếc mũ với slogan “Make China great again”. Nhật Bản, khi đó vừa tuyên bố đưa viện trợ tới Trung Quốc được vẽ bước hẳn vào phòng cách ly. Dù ở Peru nhưng Vianhue tỏ ra khá am hiểu về tình hình châu Á, những đại diện anh vẽ đều khá sát thực tế.

Chỉ một ngày sau khi bức tranh ra đời, một bức tranh nhái có thêm cả Campuchia cũng ở phòng cách ly, thể hiện động thái của Thủ tướng nước này khi tiếp nhận tàu du lịch Westerdam. Bức vẽ do một tác giả vô danh và Vianhue hoàn toàn không biết cho đến khi các fan Việt Nam nhắn tin hỏi. Anh bảo: “Không ngờ là các bạn ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng xem tranh và gửi tin nhắn cho tôi”.

Hàng loạt các phiên bản cải biên khi diễn biến dịch liên tiếp có thay đổi. Người ta thêm vào phòng bệnh những nước đang bùng phát dịch như Hàn Quốc, Iran, Italia…

Vianhue được gửi rất nhiều bài báo về bức tranh, đa phần anh không hiểu: “Các bài báo bằng tiếng Hàn, tiếng Việt, tiếng Nhật tôi hoàn toàn không hiểu, chỉ đoán họ đang mô tả bức tranh của mình. Thật không thể ngờ bức tranh lại lan truyền rộng như vậy ở châu Á”.

Tuy nhiên Vianhue không lấy làm phiền lòng vì việc tranh của mình bị vi phạm bản quyền: “Đây là một bức vẽ vui. Tôi không vẽ thêm bức cải biên nào. Nhưng nhiều người đã vẽ thêm nó”. Anh chỉ hy vọng mình góp một tiếng nói hài hước để động viên những người bệnh từ quốc gia xa xôi.

Trên trang cá nhân, anh vẫn chia sẻ các thông tin về bức tranh, cả thông tin về các bức tranh nhái với giọng điệu vui vẻ. Và thậm chí cười sảng khoái khi PV Phụ nữ mới hỏi về cảm giác bị “đạo tranh” và cải biên khác đi nhiều so với ý tưởng ban đầu: “Bức tranh thuần túy muốn cổ vũ Trung Quốc vượt qua bệnh dịch”, Vianhue cho hay. “Peru cũng đã có người nhiễm bệnh, thật sự mong đại dịch này sớm qua đi”, họa sĩ 9X bày tỏ.

Mai Nguyên

Bộ ảnh ẩm thực Trung Quốc động viên mì khô Vũ Hán đang gây sốt giữa đại dịch corona

Bộ ảnh ẩm thực Trung Quốc động viên mì khô Vũ Hán đang gây sốt giữa đại dịch corona

Bức tranh ẩm thực Trung Quốc đến bệnh viện động viên mì khô Vũ Hán mau khỏi bệnh mở đầu cho phong trào "ẩm thực động viên" ở đất nước tỷ dân