Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 27/7 đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,25% lên 3,75%, mức cao nhất trong 23 năm qua.
Tuy nhiên, khác với Fed khi mà thị trường đang cho rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh sau cuộc họp ngày hôm qua, ở mức 5,25 – 5,5%, thì niềm tin về việc ECB sắp đạt đỉnh về lãi suất hiện chưa có nhiều sự chắc chắn, nhất là trong bối cảnh lạm phát tại khu vực này còn cách xa mục tiêu.
Chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác thu hẹp lại sẽ càng khiến cho đồng USD suy yếu. Điều này sẽ khiến cho chi phí mua dầu thô trở nên rẻ hơn và cũng góp phần thúc đẩy đà tăng giá.
Một điểm đáng chú ý khác là hàng loạt dữ liệu quan trọng của nền kinh tế Mỹ công bố vào tối nay, trong đó tâm điểm là báo cáo tăng trưởng GDP quý 2/2023. Trong bối cảnh chi phí vay tăng cao, sức khoẻ nền kinh tế Mỹ sẽ là mối quan tâm hàng đầu.
Theo một cuộc khảo sát của các nhà kinh tế của Reuters, GDP có thể tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 1,8% trong quý trước sau khi tăng với tốc độ 2,0% trong quý đầu tiên.
Con số thực tế theo chúng tôi đánh giá có thể thấp hơn dự báo, khi nền kinh tế Trung Quốc trong quý 2 tăng trưởng khá yếu, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Nhưng nếu con số thấp hơn không quá đáng kể, giá dầu cũng sẽ không giảm quá mạnh do thị trường đang ngày càng lạc quan hơn với kịch bản "hạ cánh mềm".
Ngoài ra, lo ngại thâm hụt nguồn cung vẫn đang là mối bận tâm chính. Các nhà kinh tế của Reuters cho biết Saudi Arabia có thể sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang có xu hướng giằng co từ vùng 78,5 USD đến sát vùng 80 USD. RSI khung H4 vẫn đang ở vùng quá mua. Nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục đi ngang trong biên độ hẹp quanh vùng giá này cho tới khi công bố dữ liệu GDP của Mỹ vào tối nay. Kịch bản đang khá trung tính. Các nhà đầu tư chưa nên mở vị thế mới ở vùng giá này.