Đây là nội dung chính của buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn của Việt Nam vừa qua.
Giá thịt lợn vẫn cao dù tổng đàn lợn đã đạt 74%
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 2/2019. Sau nhiều nỗ lực, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Hiện cả nước có 99% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày; 41 tỉnh, thành phố đã hết bệnh này.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh với lượng lợn bị tiêu hủy lớn, tổng đàn lợn của Việt Nam đã giảm nghiêm trọng dẫn đến thiếu nguồn cung trong nước. Việc thiếu nguồn cung làm cho giá thịt lợn liên tục tăng lên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, cũng như trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn an toàn, từng bước chủ động nguồn cung.
Đưa giá thịt lợn xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 |
Từ tháng 1/2020, các địa phương đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Đến đầu tháng 3/2020, tổng đàn lợn đã đạt gần 24 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019), bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018); tốc độ tăng đàn bình quân ba tháng đầu năm 2020 tăng 6,2%. Đặc biệt, theo thống kê từ 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa chiếm tỷ lệ hạt nhân trong cơ cấu ngành hàng cho thấy, sản xuất gần 100% đàn giống cụ kỵ ông bà; 35-40% đàn giống bố mẹ; 50% đàn lợn thương phẩm và 55-60% sản lượng thức ăn công nghiệp của cả nước.
Tốc độ tái đàn lợn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%. Theo đó, quý I/2020 sản lượng thịt đạt 810 nghìn tấn, dự kiến quý II đạt 950 nghìn tấn, quý III đạt 1.020 triệu tấn, quý IV đạt 1,090 triệu tấn. Với nhu cầu thịt lợn trung bình năm 2018 khoảng 920 nhìn tấn thì cuối quý II, đầu quý III có khả năng cân bằng được cung cầu thịt lợn.
Cùng với đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Theo báo cáo của Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 67.000 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 63% so với năm 2018. Trong đó, mặt hàng này được nhập khẩu chủ yếu từ các nước như Đức, Ba Lan, Brazil, Canada, Hoa Kỳ. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến ngày 27/3, hơn 39.191 tấn thịt lợn đã được nhập về, tăng mạnh tới 312% so với năm 2019. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Canada 25,8%, Đức 20,6%, Ba Lan 13,7%, Brazil 9,7%, Hoa Kỳ 7,6%, Liên bang Nga 2,6%...
Tuy nhiên, dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn ở mức cao trong một thời gian dài. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động từ 80.000-85.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn các loại vẫn dao động ở mức 130.000-180.000 đồng/kg tuỳ loại…
Nỗ lực đưa giá lợn về mức bình thường
Trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ngày 30-/, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong muốn các doanh nghiệp chăn nuôi cam kết cùng chung tay để trước mắt đưa giá thịt lợn hơi từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn đồng/kg từ ngày 1/4.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều chỉ đạo thiết thực nhằm bình ổn giá heo hơi trong thời gian sắp tới. |
Để tăng nguồn cung thịt lợn đồng thời giúp mặt hàng này hạ nhiệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại; tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, trong đó có chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ. Đặc biệt, Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc: đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam; tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới; kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu và phải tính toán phù hợp theo từng thời điểm nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước và tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, vận động người dân sử dụng các thực phẩm thay thế cho thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước. Các địa phương định hướng các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường cung cấp các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ nguồn thịt lợn nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường