EVN nói gì về “xin tăng giá điện nhưng công ty con có hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng”?

EVN cho rằng với số tiền gửi cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỉ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty điện lực.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Phú Yên) đặt vấn đề hiệu quả hoạt động kinh doanh của EVN khi năm 2022 công ty báo lỗ 26.000 tỉ đồng và xin điều chỉnh tăng giá điện tới 8 lần nhưng vẫn tiếp tục xin báo lỗ.  Tuy nhiên, công ty mẹ thì báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng…

"Vậy nguyên nhân chính của khoản lỗ này do đâu? Nếu nói do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỉ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?", bà Yên hỏi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 5.

Về vấn đề “EVN xin tăng giá điện, nhưng loạt công ty con đưa hàng vạn tỉ đồng gửi ngân hàng” như phản ánh, EVN cho rằng với số tiền gửi cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (60.045 tỉ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty điện lực.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết số tiền mà báo chí đề cập cần được xem xét với số dư nợ ngắn hạn (hơn 60.000 tỷ đồng) tại cùng thời điểm của các tổng công ty điện lực.

Theo đơn vị này, chưa nói đến khoản dư nợ dài hạn, chỉ xét riêng khoản dư nợ ngắn hạn trên thì rõ ràng số nợ vay tại các đơn vị là rất lớn, nhu cầu trả nợ gốc và lãi vay trong năm rất cao. Thực tế này đòi hỏi nhiều đơn vị phải duy trì số dư đủ trả nợ đến hạn nhằm đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho khoản vay trong thời gian tới.

Do đó số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện theo các hợp đồng đã ký kết. Số tiền này cũng giúp các đơn vị đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, EVN cho hay, số dư tiền gửi trên được dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thủy điện nhỏ vào đầu tháng sau theo hợp đồng đã ký kết, để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải, và chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

EVN khẳng định các tổng công ty điện lực phải chủ động cân đối dòng tiền phù hợp để đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi vay kịp thời cho các đơn vị tín dụng. Các đơn vị cũng phải thanh toán cho các nhà cung cấp, các nhà máy điện, có trách nhiệm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. 

Giải đáp thắc mắc của đại biểu về việc tại sao lại nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc mà không mua điện gió và điện mặt trời, EVN cho biết, sản lượng điện nhập khẩu tương đối nhỏ, trong đó nhập từ Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày.

"Sản lượng điện toàn quốc là trên 850 triệu kWh/ngày, riêng miền Bắc là 450 triệu kWh/ngày, trong khi tổng sản lượng điện nhập khẩu khoảng hơn 10 triệu kWh/ngày nên tỷ trọng điện nhập khẩu rất thấp, chưa tới 1,3% toàn quốc", EVN cung cấp thông tin.

Đơn vị này khẳng định việc nhập khẩu điện không hẳn do thiếu mới nhập, mà Việt Nam đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005 còn việc nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ.

Thanh Mai

Giá vàng hôm nay 7/6: Vàng trong nước duy trì quanh 67 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay 7/6: Vàng trong nước duy trì quanh 67 triệu đồng/lượng

Sáng 7/6, giá vàng trong nước biến động nhẹ và duy trì quanh mốc 67 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới đứng ở mức 1.963 USD/ounce, không đổi so với hôm qua.