Theo báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố sáng này (29/6), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.
Trong khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Trong đó, khu vực nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung. Năng suất lúa đông xuân đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan...
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong khu vực kinh tế này, ngành xây dựng tăng 4,74%, cao hơn tốc độ tăng 0,07%, 2,54% và 4,19% của cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2022 trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.
Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh cũng đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, theo TTXVN.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 26,71 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6/2023 ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).
Theo Tổng Cục Thống kê, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vẫn phải dựa trên trụ cột là tiêu dùng cuối cùng, đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng. Thủ tướng đã chỉ đạo các cấp, ngành phải coi giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung đẩy mạnh.
Đồng thời thực thi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp giảm thuế phí cho doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng. Chính sách tiền tệ cần linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao.
Liên quan đến các động lực tăng trưởng của năm 2023, các chuyên gia của World Bank đặt nhiều kỳ vọng vào khu vực dịch vụ. Thậm chí, World Bank còn dùng cụm từ "đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng" khi nói về cơ hội của kinh tế Việt Nam.
(Tổng hợp)