Giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường

Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao.

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản ở tất cả các phân khúc trong nửa đầu năm nay đều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản. Ngoài ra, việc dòng vốn cho thị trường bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu… cũng là nguyên nhân khiến nguồn cung hạn chế.

Tuy vậy, nhà ở, đất nền vẫn là loại hình bất động sản thu hút sự quan tâm nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại trung cấp, bình dân và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, nguồn cung cho phân khúc này tương đối ít,

Về tình hình giao dịch các sản phẩm bất động sản trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, theo Bộ Xây dựng, dù có cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái song đang có xu hướng chững lại so với thời điểm cuối năm 2021. Các giao dịch chủ yếu vẫn tập trung ở loại hình căn hộ chung cư trung cấp, nhà ở riêng lẻ và đất nền.

Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng tình trạng đầu cơ diễn ra ở nhiều địa phương khiến giá thị trường nhà ở không hướng tới người mua cuối cùng. Điều này dẫn đến xã hội và nền kinh tế phát triển không lành mạnh trong dài hạn, quỹ đất tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội để phát triển dự án còn ít, dễ bị thao túng, từ đó có khả năng hình thành nguy cơ bong bóng bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cũng cho rằng, muốn chặn đà tăng giá nhà ở phải bắt nguồn từ việc điều tiết cung - cầu trên thị trường bất động sản. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì các biện pháp tài chính cũng chỉ tác động đến một vài nhóm nào đó trong quá trình vận hành.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho hay: "Khách hàng cá nhân và những nhà đầu tư họ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này làm cho sức cầu thị trường giảm, bởi vì chúng ta biết rằng nhà đầu tư để tối ưu lợi nhuận họ cần phải sử dụng đòn bẩy tài chính từ ngân hàng. Tuy nhiên, việc tiếp cận room khó hơn thì rõ ràng nhà đầu tư cân nhắc rất nhiều trong việc mua bất động sản hay không".

Dù vậy, giá bán sơ cấp trong thời gian tới được dự báo sẽ không giảm. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng từ chi phí nguyên vật liệu, chi phí phát triển quỹ đất, lãi vay, nhân công… đều được chủ đầu tư cộng vào giá bán. Ngoài ra, chênh lệch cung cầu vẫn còn rất lớn trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao, nhất là dịp cuối năm làm cho giá bán khó giảm.

Bên cạnh đó, phân khúc thứ cấp - mua đi bán lại có xu hướng bán cắt lỗ từ nhà đầu tư vì áp lực lãi vay, thu nhập bị ảnh hưởng, mức giảm dao động từ 5 - 10%.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, song chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II năm nay.

Còn đối với phân khúc giá nhà ở riêng lẻ, đất nền cho xây dựng nhà ở tại các dự án trong quý II năm nay, Bộ Xây dựng cũng cho biết: "Đang có xu hướng chững lại ở hầu hết các địa phương khi các hoạt động đầu tư, kinh doanh, dịch vụ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác được phục hồi, bình thường trở lại".

Theo nhận định của SSI Research, thị trường bất động sản hạ nhiệt và chủ đầu tư có thể đối mặt với rủi ro khi tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi giá đất tăng, giá vật liệu xây dựng và lãi suất cao hơn.

Một số chuyên gia khác cho rằng, dù có khó khăn, song việc giảm giá là khó xảy ra bởi thị trường vẫn đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Việc giảm giá khó xảy ra khi mất cân đối cung - cầu, trong đó cầu cao - cung thấp.

Tổng Hợp