Giá dầu đạt mức cao nhất 3 năm qua

Giá dầu hôm nay 18/1 giữ vững đà tăng, nguyên nhân nhờ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tiếp tục được củng cố mạnh mẽ sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng cao nhất một thập kỷ.

Tính đến đầu giờ sáng 18/1 (giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 84,21 USD/thùng, tăng 0,39 USD/thùng trong phiên.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 86,49 USD/thùng, tăng 0,43 USD/thùng trong phiên.

Giá dầu ngày 18/1 tiếp tục đà tăng khi nguồn cung dầu thô trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Khả năng đáp ứng kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng là không nhiều khi trong suốt thời gian qua, mục tiêu sản lượng này đã không được nhiều nước thành viên của OPEC+ đáp ứng đủ.

Tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thậm chí đang có dấu hiệu trầm trọng hơn khi không ít nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào và ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron không gây ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu như lo ngại.

Ở chiều hướng ngược lại, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo vẫn đang duy trì trạng thái phục hồi tích cực khi tiếp theo Mỹ, Trung Quốc vừa công bố loạt dữ liệu kinh tế cho thấy bức tranh kinh tế của nước này là rất tích cực.

Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 là 8,1%, mức cao nhất trong gần một thập kỷ gần đây, cũng là yếu tố kiềm chế đà tăng của kim loại quý.

Theo NBS, trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát và khủng hoảng trên thị trường bất động sản tạo rào cản kìm hãm tăng trưởng nhưng GDP quý IV của Trung Quốc đạt 4%, đưa tăng trưởng cả năm đạt 8,1% so với 2020. Giá trị sản lượng công nghiệp Trung Quốc cũng tăng tới 9,6%, doanh thu bán lẻ các sản phẩm tiêu dùng tăng 12,5%... trong năm 2021.

NBS cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì được sự ổn định trong năm 2021, dẫn đầu thế giới cả về phát triển kinh tế và dịch bệnh. Tuy nhiên, NBS cũng chỉ ra một loạt các yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc như bất động sản suy thoái và các biện pháp phòng chống dịch bệnh với sự xuất hiện của biến thể Omicron…

Trong khi đó, tổng sản lượng dầu của Libya tăng trở lại mức 1,2 triệu thùng/ngày, theo National Oil Corp. Sản lượng của Libya chỉ đạt khoảng 900.000 thùng/ngày vào tuần trước do các mỏ dầu phía tây bị phong tỏa. 

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết sản lượng dầu của Libya đã giảm còn 700.000 thùng/ngày vào đầu năm, và góp phần vào việc thúc đẩy giá, theo Doanh nghiệp Niêm yết.

Theo ông Tazawa, lo ngại về nguồn cung hạn chế giúp thị trường bỏ qua thông tin về khả năng Trung Quốc sẽ giải phóng dầu từ kho dự trữ.

Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay quốc gia châu Á này có kế hoạch giải phóng kho dự trữ dầu trong khoảng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 31/1 đến 6/2 như một phần trong kế hoạch do Mỹ điều phối nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu toàn cầu.

Giá dầu hôm nay còn được thúc đẩy mạnh bởi giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng.

BẢNG GIÁ XĂNG DẦU TRONG NƯỚC NGÀY 18/1 (ĐVT: Đồng/lít)
Sản phẩmThay đổiKhông cao hơn
Xăng RON95-III+ 581 đồng/lít23.876 đồng/lít
Xăng E5RON92+ 609 đồng/lít23.159 đồng/lít 
Dầu diesel 0.05S+ 660 đồng/lít18.230 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S+ 620 đồng/kg16.360 đồng/kg
Dầu hỏa+ 620 đồng/lít17.130 đồng/lít

(Tổng hợp)

AN LY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương